Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại - nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 13/05/2016 18:00 1.892 0

Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại - nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Năm 2014, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tây Ninh là một trong 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ vinh dự có di sản Nghệ thuật Đờn ca tài tử. Để thực hiện nghiêm túc cam kết với UNESCO và thế giới về giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – Nghệ thuật đờn ca tài tử. Chúng ta mỗi người dân Việt đều có thể góp phần trách nhiệm của mình vào việc bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh nhà.

Hơn một thế kỷ qua, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã góp phần đáng kể vào việc hình thành nhân cách, tình cảm, đạo đức và lối sống con người Nam bộ - Việt Nam góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc. Hiện nay Tây Ninh có khoảng 285 câu lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca tài tử - cải lương đang sinh hoạt tại các Trung tâm Văn hóa – Thể thao các huyện, thành phố Tây Ninh, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn ở cơ sở và trong cộng đồng dân cư. Trong đó có 82 câu lạc bộ Đờn ca tài tử và hơn 50 nghệ nhân đã và đang là các hạt nhân nồng cốt trong các hoạt động Đờn ca tài tử ở cơ sở.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã và đang tồn tại và có ảnh hưởng sâu rộng trong tình cảm, đời sống của đông đảo các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh nhà; được đông đảo quần chúng yêu thích. Để bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử - Tây Ninh, rất cần có sự tham gia của toàn xã hội của các ngành, các cấp; của các nhà nghiên cứu, quản lý về văn hóa, của các nghệ nhân và của cộng đồng dân cư trong tỉnh. Do đó thực hiện Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), tháng 6/2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1202/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh đến năm 2020. Để thực hiện Đề án của UBND tỉnh và đảm bảo lộ trình cam kết với UNESCO, Sở VHTTDL Tây Ninh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện "Đề án" giai đoạn 2015 – 2020. Kế hoạch khẳng định phải khẩn trương tăng cường công tác quản lý nhà nước, tạo mọi điều kiện để phát huy đồng bộ, rộng khắp Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào các hoạt động sưu tầm, lưu giữ và phổ biến giá trị di sản, thành lập ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử. Khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp cả về tinh thần lẫn vật chất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy di sản. Mở rộng các hình thức giao lưu, giới thiệu giá trị di sản trong khu vực và nước láng giềng Campuchia. Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ chuyên môn có đủ năng lực và am hiểu về Đờn ca tài tử để cùng với nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ trẻ yêu thích Đờn ca tài tử. Phát huy giá trị Nghê thuật Đờn ca tài tử cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và phải được thực hành tại nhiều điểm, thông qua các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phổ biến, truyền dạy, tổ chức sinh hoạt tại các câu lạc bộ. Qua đó khẳng định thêm giá trị - sức sống mãnh liệt của di sản, tạo được sự đồng thuận, cam kết lưu giữ và phát huy giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra Sở VHTTDL Tây Ninh cũng luôn chú trọng việc bảo tồn; phát huy giá trị di sản gắn kết với nhiệm vụ phát triển du lịch tỉnh nhà. Nói cách khác du lịch Tây Ninh cần phát huy tối đa Nghệ thuật Đờn ca tài tử tại các điểm du lịch của tỉnh; đặc biệt là củng cố và hình thành các điểm sinh hoạt Đờn ca tài tử ở hầu hết các điểm du lịch (núi Bà Đen, Trung ương Cục miền Nam v.v…); quan tâm xây dựng môi trường thuận lợi cho các địa phương để khuyến khích loại hình Nghệ thuật Đờn ca tài tử phát triển.

Kế hoạch thực hiện "Đề án" đã đề ra lộ trình từ nay đến năm 2020, trước mắt năm 2016 toàn tỉnh tập trung thực hiện nhiệm vụ kiểm kê các bài bản tổ và những bài hát biến thể trong Nghệ thuật Đờn ca tài tử, tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử cấp tỉnh kết hợp chào mừng kỷ niệm 180 – Tây Ninh hình thành và phát triển; tổ chức liên hoan các câu lạc bộ Đờn ca tài tử tại 25 xã điểm xây dựng nông thôn mới; tăng cường chất lượng hoạt động các câu lạc bộ Đờn ca tài tử tại các Trung tâm Văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng tại 95 xã, phường, thị trấn và nhà văn hóa ấp, khu phố; xây dựng giáo trình – tài liệu truyền dạy về nghệ thuật đờn ca tài tử và giới thiệu sản phẩm Đờn ca tài tử trên các trang thông tin điện tử của Ngành và các đơn vị. Đặc biệt nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 hằng năm, ngành VHTTDL tập trung tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động phong phú giới thiệu Nghệ thuật Đờn ca tài tử ở cơ sở.

Cùng với các loại hình văn hóa phi vật thể khác như Nhã nhạc – Nhạc cung đình triều Nguyễn, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Hát Ca trù, Hội Gióng và Hát Xoan Phú Thọ, Đờn ca tài tử Nam bộ vinh dự đại diện cho 21 tỉnh, thành Nam bộ trong đó có Tây Ninh đã được tổ chức UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới đại diện của nhân loại; đó chính là niềm tự hào to lớn của dân tộc Việt nói chung và của Tây Ninh nói riêng.

 Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể tuyệt tác đã được cha ông chúng ta sáng tạo, phát triển và lưu truyền trong đời sống của người dân Việt hơn một trăm năm qua. Ở Tây Ninh Nghệ thuật Đờn ca tài tử du nhập và phát triển từ cuối thế kỷ XIX. Phong trào Đờn ca tài tử hiện nay đã phát triển rộng khắp và phổ biến hầu hết ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Với quyết tâm phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình âm nhạc dân tộc, ngành VHTTDL sẽ tích cực tham mưu cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi và tốt hơn nữa để Đờn ca tài tử được phát triển và luôn xứng đáng là loại hình nghệ thuật được vinh danh là "Đại diện của nhân loại" ở Nam bộ và trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Có thể khẳng định rằng, Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử là nhiệm vụ cấp thiết và khẩn trương, đồng thời đó cũng chính là trách nhiệm của toàn xã hội nhằm góp phần "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" (NQTW5 – Khóa VIII); đồng thời thực hiện chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Tỉnh ủy Tây ninh về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.

Võ Hòa Minh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây