Kết quả thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2016

Thứ năm - 29/12/2016 17:00 154 0

Kết quả thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng  đời sống văn hóa” năm 2016

Cùng các địa phương trên toàn quốc, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tây Ninh đã chú trọng chỉ đạo việc triển khai các nội dung chủ yếu của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các địa phương, ban ngành, đoàn thể,… Trong năm qua, phong trào đã được triển khai nhanh chóng, sâu rộng tạo một phong trào thi đua rộng lớn từ trong mỗi gia đình, trên các địa bàn dân cư và trong các cơ quan trường học, doanh nghiệp.

Nhờ đó quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở như các mô hình văn hóa (gia đình văn hóa, tổ dân phố, khu phố văn hóa, đơn vị, trường học văn hóa) được nhân rộng, nếp sống văn minh được củng cố, nâng cao. Bên cạnh đó các tệ nạn xã hội cũng được ngăn chặn, đẩy lùi; các phong trào, các cuộc vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng,… đã góp phần đáng kể vào tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

- Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" do Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh chủ trì tập trung tổ chức đăng ký các danh hiệu ấp văn hóa, gia đình văn hóa, cơ sở tín ngưỡng – tôn giáo văn minh có chất lượng, đúng thực chất phong trào, kết quả: Công nhận danh hiệu ấp văn hóa: 520/542 ấp, đạt 95,94%; công nhận Gia đình đạt chuẩn văn hóa: 235.299/286.997 hộ, đạt 81,99%. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể vận động nhân dân tham gia đóng góp ủng hộ các phong trào địa phương, tham gia nạo vét kênh, mương, dọn dẹp vệ sinh môi trường…; tích cực vận động Quỹ "Vì người nghèo", xây tặng Nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo cần hỗ trợ nhà ở.

- Cuộc vận động xây dựng "Đời sống văn hoá cơ sở trong công nhân viên chức lao động" Phát động đăng ký thi đua xây dựng đời sống văn hóa năm 2016 tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả năm 2016, toàn tỉnh có 881/905 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 97,35%. Liên đoàn Lao động huyện, thành phố tập trung tuyên truyền nội dung cuộc vận động đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn; quan tâm chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong trường học đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong trường học". Nhìn chung các trường học tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chất lượng không ngừng được nâng cao với mục tiêu là nhằm xây dựng đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh cho học sinh, sinh viên và cán bộ giáo viên toàn ngành. Số liệu đăng ký "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong trường học năm 2015 – 2016: Tổng số trường 538/538 trường, tỉ lệ 100%. Kết quả: 533/538 trường đạt chuẩn đơn vị văn hóa, tỷ lệ: 99,07%. Các đơn vị, trường học tiếp tục quan tâm đầu tư, không ngừng đổi mới, hoàn thiện nội dung, hình thức hoạt động văn hóa tinh thần cho học sinh, sinh viên, tạo nên sự hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi, môi trường mang tính định hướng giáo dục rõ ràng, nâng cao tính tích cực chính trị trong mỗi hoạt động, nhất là hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

- Về cuộc vận động xây dựng "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới", "Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị" Các huyện, thành phố tập trung triển khai các nội dung cuộc vận động đến xã, phường, thị trấn; tiến hành khảo sát "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới" và thẩm định công nhận danh hiệu đối với các xã đủ điều kiện. Tính đến ngày 30/12/2016, trên địa bàn tỉnh có 18/80 xã được công nhận xã đạt chuẩn Văn hóa nông thôn mới (Kế hoạch năm 2016 là 28/80 xã, tỷ lệ 64,00 %), 02 thị trấn văn minh đô thị (Thị trấn Hòa Thành, Thị trấn Trảng Bàng).

- Cuộc vận động "Xây dựng chợ văn minh" do Sở Công Thương chủ trì việc đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp 06 chợ với tổng nguồn vốn đầu từ là 2.783.567.319 đồng. Trong đó, Trung ương hỗ trợ đầu tư 279.074.319 đồng, ngân sách huyện hỗ trợ đầu tư là 1.494.593.000 đồng, ngân sách xã hỗ trợ đầu tư là 324.200.000 đồng, các hộ tiểu thương đóng góp 485.700.000 đồng và vận động các mạnh thường quân là 200.000.000 đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 01 chợ Tân Biên được Ban chỉ đạo huyện Tân Biên trao Quyết định công nhận chợ Tân Biên là chợ văn minh năm 2012 (tại Quyết định số 08/QĐ-BCĐ ngày 15/8/2013) và hàng năm đều được Ban Chỉ đạo phong trào huyện Tân Biên phúc tra và giữ vững đạt chợ văn minh. Trên địa bàn tỉnh có 36 chợ được Ban chỉ đạo Phong trào "TDĐKXDĐSVH" huyện, thành phố ra Quyết định công nhận chợ vệ sinh, trật tự, an toàn.

       - Cuộc vận động xây dựng "Cơ sở Tín ngưỡng - Tôn giáo văn minh" do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì đã góp phần xây dựng cảnh quan nơi thờ tự khang trang sạch đẹp, đoàn kết trong nội bộ tôn giáo, các chức sắc, tín đồ chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những hạn chế tiêu cực từng bước được đấu tranh khắc phục. Năm 2016, đăng ký cơ sở Tín ngưỡng – Tôn giáo văn minh: 358/358 cơ sở, đạt 100%. Kết quả bình xét: Đạt 100% cơ sở Tín ngưỡng – Tôn giáo văn minh.

- Cuộc vận động "Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội" do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm được tập trung tuyên truyền rộng rãi với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng nhóm đối tượng, chú trọng sử dụng các hình thức tuyên truyền đạt hiệu quả cao như: Tuyên truyền trực quan, tờ rơi, bản tin, sổ tay,...

- Cuộc vận động "Xây dựng Môi trường văn hóa" gắn với phong trào "TDĐKXDĐSVH trong quân đội nhân dân Việt Nam" do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội và Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ", kết hợp chặt chẽ với phong trào thi đua quyết thắng tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ. Tổ chức tốt các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; các thiết chế văn hóa cũng được củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp tạo nên diện mạo mới cho lực lượng vũ trang tỉnh, xây dựng mỗi cơ quan, đơn vị thành một điểm sáng văn hóa, tạo thành động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ tích cực học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Cuộc vận động xây dựng "Điểm sáng văn hóa biên giới" do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì các Đồn Biên phòng đã tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã biên giới tổ chức các hoạt động thông tin, cổ động, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về phòng chống ma túy, mại dâm, tuyên truyền nội dung cuộc vận động đến các đồn biên phòng, các ấp và nhân dân khu vực biên giới trên loa truyền thanh; phối hợp tổ chức và phát triển các hình thức hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ quân và dân trên địa bàn, góp phần xóa điểm trắng về văn hóa thông tin, góp phần giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng biên giới.

- Cuộc vận động "Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng đơn vị văn hóa vì nhân dân phục vụ" do Công an tỉnh chủ trì Ban chỉ đạo cuộc vận động Công an tỉnh tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, các lớp học tập chuyên đề, các lớp tập huấn tuyên truyền về Luật giao thông đường bộ, phòng chống tội phạm ma túy, trộm cắp; thông báo phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm; hướng dẫn cách thức phát động phong trào quần chúng tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh trật tự,… đến công an các huyện, thành phố; Công an xã, phường, thị trấn; lực lượng Tổ bảo vệ dân phố, Tuần tra nhân dân nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm công vụ của các cán bộ chiến sĩ trong quá trình công tác.

Nhìn chung, công tác phong trào "TDĐKXDĐSVH" được triển khai rộng rãi đến các cấp: Tỉnh, huyện, xã tổ chức đăng ký chỉ tiêu về từng cuộc vận động phong trào. Triển khai thực hiện đầy đủ nội dung Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo đề ra, điều chỉnh các nội dung Quy ước khu dân cư để người dân thực hiện. Kết quả bình xét cuối năm 2016: "Gia đình văn hóa" đạt 81,99% và "Ấp, khu phố Văn hóa" đạt 95,94%. Tuy có kéo giảm, nhưng vẫn chưa thể hiện đúng thực chất chất lượng bình xét của phong trào. Chỉ tiêu năm 2016 là 60%, tỷ lệ này đã được Ban Chỉ đạo tỉnh thống nhất thông qua để nhằm nâng cao chất lượng cho Phong trào "TDĐKXDĐSVH" tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai phong trào vẫn còn một số hạn chế, khó khăn đó là: Công tác tuyên truyền nội dung cuộc vận động chưa được thật sự tập trung đẩy mạnh; Việc đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa còn mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng ký thay cho từng hộ gia đình. Các địa phương đều chấm điểm tròn ở tất cả các tiêu chuẩn "Ấp, khu phố văn hóa" và gửi hồ sơ đề nghị Ban chỉ đạo xã công nhận, tuy nhiên Ban Chỉ đạo xã không thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực tế mà chủ quan ra Quyết định công nhận; Ban điều hành Tổ dân cư tự quản hiện nay củng cố còn chậm, kinh phí hỗ trợ hoạt động còn thấp, nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của phong trào.

Trong năm 2017, tiếp tục triển khai Hướng dẫn số 22/HD-BCĐ ngày 30/6/2016 của Ban chỉ đạo tỉnh về quy trình xây dựng danh hiệu "Gia đình Văn hóa", "Ấp, khu phố Văn hóa". Xây dựng quy ước Khu dân cư với nội dung  phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Căn cứ Đề án "Truyền thông về phát triển Phong trào TDĐKXDĐSVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Chỉ đạo phong trào tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Biên tập, in ấn ban hành tài liệu hỏi, đáp và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Phong trào "TDĐKXDĐSVH" gửi các địa phương tổ chức, thực hiện hoạt động phong trào ở cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia nâng cao chất lượng Phong trào "TDĐKXDĐSVH" trên cơ sở cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện và vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Chủ động, lồng ghép nội dung hoạt động phong trào "TDĐKXDĐSVH" gắn với các chương trình, kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm phát huy các giá trị truyền thống trong gia đình, vì đây là nền tảng, là cốt lõi trong việc triển khai xây dựng cuộc vận động gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa…     

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây