Đặc biệt là cuộc vận động xây dựng "Gia đình văn hóa", "Ấp, Khu phố Văn hóa" do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì đã góp phần quan trọng vận động nhân dân chấp hành pháp luật, bài trừ tệ nạn xã hội, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…; đã tác động tích cực, sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua thời gian công tác xây dựng "Gia đình văn hóa", "Ấp, Khu phố Văn hóa" đã bộc lộ những hạn chế nhất định như việc công nhận "Gia đình văn hóa", "Ấp, Khu phố Văn hóa" chưa phản ánh đúng thực chất, từng lúc, từng nơi còn mang tính hình thức.
Chính vì thế, ngày 27 tháng 5 năm 2015 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng "Gia đình văn hóa", "Ấp, Khu phố Văn hóa" trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị đã chĩ rõ cần tăng cường công tác tuyên truyền nội dung các tiêu chuẩn xây dựng "Gia đình văn hóa", "Ấp, khu phố văn hóa" dưới các hình thức; Phải chấn chỉnh lại việc bình xét, đánh giá xếp loại các danh hiệu cho đúng thực chất; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào các nội dung: quy trình bình xét, bình chọn "Gia đình văn hóa"; "Ấp, khu phố văn hóa"
Gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 04/CT-UBND, đến nay phong trào "TDĐKXDĐSVH" cụ thể là công tác xây dựng "Gia đình văn hóa", "Ấp, Khu phố Văn hóa" trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục đi vào nề nếp, được nhân dân hưởng ứng và tham gia thực hiện, quan tâm xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Hàng năm, công tác bình xét, công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa"được thực hiện nghiêm túc, ngày càng đi vào thực chất, gắn liền với phong trào xây dựng ấp (khu phố) văn hóa. Năm 2017, Ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh đã ban hành Hướng dẫn 27/HD-BCĐ ngày 04/10/2017 hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận "Gia đình văn hóa", "Ấp, Khu phố Văn hóa" theo đó nhấn mạnh việc thực hiện đảm bảo các nguyên tắc : thứ nhất việc công nhận "Gia đình văn hóa"; "Ấp, Khu phố văn hóa" chỉ được áp dụng với những trường hợp có đăng ký thi đua ; thứ hai : phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nắm vững và tự giác thực hiện tiêu chuẩn công nhận "Gia đình văn hóa"; "Ấp, Khu phố văn hóa" ; thứ ba : việc bình xét công nhận "Gia đình văn hóa"; "Ấp, Khu phố văn hóa" phải đảm bảo theo nguyên tắc công khai, dân chủ, đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục và có kỳ hạn.
Kết quả năm 2017 toàn tỉnh có 236.436 hộ được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa" trên tổng số 286.997 hộ, đạt 82,38%; Đối với công tác xây dựng Ấp, Khu phố văn hóa cũng được quan tâm thực hiện, có 470 ấp; khu phố được công nhận danh hiệu "Ấp, khu phố văn hóa" trên tổng số 542 ấp; khu phố, đạt 86,72%.
Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phong trào "TDĐKXDĐSVH" trong thời gian tới Ban chỉ đạo phong trào các cấp cần tiếp tục thực hiện nghiệm Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng "Gia đình văn hóa", "Ấp, Khu phố Văn hóa" trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gắn với "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", xem đây vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ thực hiện thắng lợi Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đặng Thị Bình
Ý kiến bạn đọc