Tây Ninh 15 năm xây dựng và phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Thứ hai - 26/12/2016 16:00 170 0

Tây Ninh 15 năm xây dựng và phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, ấp văn hóa” được hợp nhất trên cơ sở các các cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vào năm 2000. Ngày 16 tháng 6 năm 2003, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 78/QĐ-CT thay đổi tên gọi là “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

ảnh: Khen thưởng các cá nhân có đóng góp tích cực trong xây dựng phong trào "TDĐKXDĐSVH" tỉnh Tây Ninh

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (Phong trào "TDĐKXDĐSVH") được tổ chức thực hiện từ tổ tự quản, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, đến các cơ quan, trường học, cơ sở Tín ngưỡng - Tôn giáo, các lực lượng vũ trang, bao gồm 10 cuộc vận động do từng cơ quan chủ trì thực hiện: Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì: Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và xây dựng "Cơ sở tín ngưỡng – tôn giáo văn minh"; Liên đoàn lao động tỉnh: "Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong khối CNVC-LĐ"; Sở Giáo dục và Đào tạo: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong trường học"; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: "Xã, phường, thị trấn văn hóa"; Sở Công Thương: "Chợ Văn minh"; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: "Xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội"; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: "Môi trường văn hóa trong quân đội"; Công an tỉnh: "Đơn vị văn hóa trong Công an nhân dân"; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng: "Điểm sáng văn hóa biên giới".

Qua 15 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực bằng nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, với nhiều mô hình khác nhau đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Cuộc vận động đã phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "tương thân tương ái",... nhân dân ở các khu dân cư đã có nhiều hoạt động phong phú thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình chính sách, gia đình có công và các hoạt động nhân đạo từ thiện. Việc xây dựng quy ước Khu dân cư - Ấp văn hóa đã và đang phát huy tác dụng thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần nâng cao nhận thức, tự giác của mọi người dân trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Qua đó, phát huy được quyền và nghĩa vụ của người dân trong cộng đồng với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã tác động tích cực trong cuộc sống ở cơ sở.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2016, nhìn chung phong trào đạt được một số chỉ tiêu như sau: Gia đình văn hóa 235.299/286.299 hộ đạt tỷ lệ 81,99%; Ấp (khu phố) văn hóa 520/542 ấp (khu phố), tỷ lệ 95,94%; Cơ sở Tín ngưỡng – Tôn giáo văn minh 358/358 tỷ lệ 100%; Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa 905/933 cơ quan, đơn vị, tỷ lệ 96,99%; Đơn vị trường học văn hóa 533/538 đơn vị, tỷ lệ 99,07%; Có 16/80 xã đạt chuẩn "Xã văn hóa Nông thôn mới", đạt tỷ lệ 20,00% và và 02 thị trấn đạt chuẩn "Văn minh Đô thị".

Trên cơ sở kế thừa kết quả thành tựu đạt được qua công tác triển khai thực hiện phong trào "TDĐKXDĐSVH" giai đoạn 2001 – 2015, tiếp tục phát triển phong trào bền vững, có chiều sâu, chất lượng hiệu quả, thiết thực để tiến tới thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; trong thời gian tới Phong trào cần thực hiện một nhiệm vụ trọng tâm đó là:

1. Tiếp tục triển khai Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 16/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào "TDĐKXDĐSVH" giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1376/QĐ-UBND ngày 14 ngày 7 tháng 2012 của UBND tỉnh về việc Ban hành Chương trình hoạt động Phong trào "TDĐKXDĐSVH" tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020

 2. Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng "Gia đình Văn hóa", "Ấp, khu phố Văn hóa" theo nội dung Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2015 của UBND tỉnh Tây Ninh về nâng cao chất lượng công tác xây dựng "Gia đình Văn hóa" , "Ấp, Khu phố Văn hóa" trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và Hướng dẫn số 22/HD-BCĐ ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào "TDĐKXDĐSVH" về quy trình xây dựng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Ấp (khu phố) văn hóa".

3. Chủ động lồng ghép toàn diện các nội dung của phong trào gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, với xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, cần tập trung một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, nâng cao chất lượng toàn diện việc xây dựng đời sống văn hóa với môi trường văn văn hóa thông qua đẩy mạnh phong trào thi đau yêu nước và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; khắc phục triệt để tính hình thức của quá trình xây dựng gia đình văn hóa. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp theo hướng thiệt thực, hiệu quả, sâu sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; giải quyết những khó khăn vướng mắc, bất cập đặt ra trong quá trình triển khai phong trào.

Hai là, phát triển phong trào, tập trung nâng cao chất lượng các cuộc vận động, mở rộng triển khai thực hiện phong trào tập trung ở những địa bàn khó khăn, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện việc xây dựng. công nhận, công nhận lại các danh hiệu của phong trào đúng thực chất. Bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo phong trào các cấp (tỉnh, huyện, xã), đặc biệt ưu tiên quan tâm hơn nữa đến kinh phí hoạt động của Ban vận động Ấp hiện nay rất thấp nên hiệu quả hoạt động của Ban vận động cũng rất hạn chế.

Ba là, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, quan tâm đến việc tổ chức bình xét và công nhận danh hiệu, công khai, dân chủ và đúng quy trình; tăng cường công tác giáo dục về văn hóa gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, kiến thức, kỹ năng sống và ứng xử trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Bốn là, giáo dục và vận động mọi gia đình tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xóa bỏ các hủ tục mê tín lạc hậu, mê tín dị đoan. Tăng cường bảo vệ và chăm sóc trẻ em, chăm lo người cao tuổi, chống lối sống thực dụng, đồi trụy, tệ nạn xã hội và nhất là nạn bạo lực gia đình.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát, hướng dẫn thực hiện phong trào; Phát động toàn dân tham gia thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Xây dựng gia đình văn hóa là xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Gia đình văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tục dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Người viết: Duyên Anh


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây