1. Từ cơ sở cũ "Còn nhiều khó khăn"
Cơ sở vật chất ban đầu tiếp quản từ Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh bàn giao lại cho đơn vị năm 1993, lúc đó chỉ có 02 dãy nhà cấp IV đơn sơ, xung quanh trồng cây ăn trái. Để có đủ điều kiện cho bộ máy của Trung tâm hoạt động, nhà nước đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới 01 dãy nhà làm việc gồm 05 phòng và 01 hội trường, 03 nhà để xe ô tô. Cơ sở vật chất sân bãi cho vận động viên tập luyện rất thiếu thốn, chỉ tập luyện tại các cơ sở đã có sẵn trên địa bàn như: Sân vận động cũ, bể Bơi thiên nhiên (huyện Hòa Thành). Lúc đầu để có sân tập luyện đơn vị đã lao động cải tạo thành các khoảnh đất trống cho Bộ môn Bóng chuyền tập luyện, Bộ môn Bóng bàn tập luyện tại phòng cấp IV của Trung tâm không đủ tiêu chuẩn, nhiều lúc các lớp Trẻ, năng khiếu Bóng đá phải tập trên những khu đất trống của vườn cao su, lớp Bơi tập trên các đoạn kênh Đông - Tây thủy lợi… do thiếu bể bơi và sân tập, trang thiết bị ban đầu không đáp ứng nhu cầu làm việc, cán bộ, viên chức, huấn luyện viên, vận động viên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy, tập luyện và sinh hoạt.
Chỗ ăn, ở, sinh hoạt của vận động viên chưa đáp ứng yêu cầu nên Trung tâm chỉ tập trung vận động viên của một số môn, còn lại là bán tập trung và phối hợp tổ chức học tập văn hóa tại một số điểm trường trên địa bàn của tỉnh.
Năm 1995, Trung tâm được Tổng cục Thể dục Thể thao cho lại một dàn vỉ kèo lắp ráp bằng thép đã qua sử dụng chuyển từ miền Bắc vào và được tỉnh đầu tư xây dựng một nhà tập luyện tại Trung tâm cho các lớp: Bóng chuyền, Cầu lông, Võ thuật… tập luyện và tổ chức thi đấu các giải phong trào.
Sau 25 năm thành lập, đến nay cơ sở vật chất ở trụ sở cũ đã xuống cấp, hư hỏng. Trung tâm đã nhiều lần sửa chữa, khắc phục những khó khăn, phấn đấu vươn lên đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhiều năm liền đơn vị hoàn thành nhiệm vụ vượt chỉ tiêu giao, đạt danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc" và dẫn đầu Phong trào thi đua cụm Khối đơn vị sự nghiệp. Được tặng nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Ủy ban TDTT (Nay là Bộ VHTT và DL).
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến việc làm sút giảm thành tích thể thao của tỉnh. Về kinh phí tỉnh Tây Ninh phân bổ cho hoạt động TDTT hoàn toàn không thua kém các tỉnh trong khu vực nhưng kết quả đạt được vẫn chưa cao.
Nguyên nhân là do cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT chưa được nâng cấp, còn phân tán nhiều nơi, không tập trung, đã gây khó khăn cho công tác đào tạo và huấn luyện. Trụ sở cũ sử dụng đã lâu không được nâng cấp nên ngày càng hư hỏng nặng.
Khu nhà nghỉ của vận
động viên tại cơ sở cũ
Sân tập, Nhà tập của
VĐV tại cơ sở cũ
Trong các nhiệm kỳ 2002 - 2006 và 2006 - 2010, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng một số công trình phục vụ cho hoạt động TDTT chào mừng thành công các kỳ Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh như: Nhà thi đấu đa năng, Bể bơi, Sân quần vợt, Sân vận động tỉnh… (gồm Khán đài A, khán đài B, mặt sân cỏ và đường chạy Điền kinh phủ nhựa tổng hợp, dưới các khán đài A và B đã thiết kế các phòng và nhà vệ sinh. Sau khi công trình nghiệm thu đưa vào sử dụng đã giải quyết khó khăn cho việc sinh hoạt và tập luyện của huấn luyện viên, vận động viên các bộ môn về sân bãi và chỗ nghỉ (sắp xếp chuyển vận động viên một số môn từ Trung tâm Đào tạo Huấn luyện và Trung tâm Thi đấu Thể thao lên khán đài B sinh hoạt và tập luyện).
Tuy nhiên qua nhiều năm sử dụng phục vụ tập luyện và tổ chức thi đấu đến nay các công trình được đầu tư xây dựng đã xuống cấp. Bể bơi giao cho tư nhân quản lý nhưng hoạt động kém hiệu quả, Nhà thi đấu hệ thống chiếu sáng không đảm bảo tiêu chuẩn, hệ thống âm thanh không đạt nên ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức thi đấu và hoạt động dịch vụ tạo nguồn thu cho đơn vị.
Tại dưới khán đài B sân vận động, nơi vận động viên các bộ môn: Điền kinh, Võ cổ truyền, Karatedo, Taekwondo, Bóng đá U15, U17, U19 tập trung sinh hoạt cũng bị mưa dột nước từ phía trên bậc tam cấp khán đài B thấm xuống các phòng nên các em sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn (do các mối nối bê tông trên khán đài giãn nở theo thời tiết).
Đường chạy phủ nhựa tổng hợp dùng cho vận động viên Điền kinh tập luyện và tổ chức thi đấu các giải Điền kinh, nhựa tổng hợp lâu năm bị bong tróc keo dán, hư hỏng không còn sử dụng được, nên hàng năm phải hoãn không tổ chức giải Vô địch Điền kinh.
Cuối năm 2016, công trình Nhà thi đấu được tiến hành sửa chữa, cải tạo nâng cấp để đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải cấp quốc gia và quốc tế, nhưng vẫn đang thiếu nhà kho để bảo quản dụng cụ chuyên dụng cồng kềnh như (sàn đài lắp ráp thi đấu ngoài trời của môn Võ thuật và một số thiết bị khác).
Về cơ bản các hoạt động tổ chức thi đấu của Trung tâm được đảm bảo, tuy nhiên hoạt động dịch vụ còn hạn chế, chưa khai thác hết mặt bằng, chưa sử dụng hết công năng của Nhà Thi đấu, còn để nhiều khu đất trống chưa được đầu tư, chưa đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể thao để kêu gọi tư nhân đầu tư xây dựng các CLB tập luyện TDTT.
2. Đến cơ sở mới "Tạo niềm tin, động lực" để phát triển
Sau hơn 2 năm xây dựng, cơ sở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (theo tên mới thành lập) được đầu tư kinh phí xây dựng 76,084 tỉ đồng, trên diện tích hơn 5ha tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Đến nay cơ bản đã hoàn thành các hạng mục công trình của giai đoạn I gồm: Sửa chữa một số hạng mục của hai dãy nhà làm việc được Sở Giao thông Vận tải bàn giao lại (gồm 11 phòng làm việc và 01 hội trường); Xây mới Khu nhà tập luyện gồm 06 phòng; 01 khu nhà ở và học văn hóa cho vận động viên 01 trệt và 02 tầng lầu; 01 nhà ăn tập thể với sức chứa trên 200 vận động viên và khu bảo quản, chế biến, thức ăn; 02 sân bóng đá (01 sân cỏ nhân tạo và 01 sân cỏ tự nhiên); xung quanh sân bóng đá có đường chạy phủ nhựa tổng hợp dùng tập Điền kinh, 01 dãy nhà để xe mô tô của viên chức và khách đến quan hệ công tác, 01 nhà để xe ô tô 03 cửa cuốn không có vách ngăn.
Xây dựng cơ sở mới và tổ chức học tập văn hóa tập trung tại Trung tâm giúp các vận động viên yên tâm hơn, khi không còn nỗi lo phải di chuyển đi học ở các trường xa nơi tập trung tập luyện. Các huấn luyện viên sẽ bớt vất vả hơn khi hàng tuần không còn phải liên hệ tìm thuê sân bãi tập luyện. Hàng năm Trung tâm tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi, lại và kinh phí chi cho việc thuê sân bãi, xăng dầu phục vụ vận động viên, học văn hóa, tập luyện tại các điểm tập.
Một số hạng mục công trình giai đoạn I được đầu tư xây dựng đã hoàn thành:
Nhà tập luyện thể
thao
Văn phòng làm việc
Sân bóng đá, đường chạy phủ nhựa tổng hợp
Nhà ăn tập thể Nhà nghỉ, học văn hóa
Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở mới là việc sáp nhập Trung tâm Đào tạo huấn luyện thể thao và Trung tâm Thi đấu thể thao thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao theo Quyết định số 285/QĐ-UBND, ngày 30/01/2018 và quyết định số 498/QĐ-UBND, ngày 21/02/2018 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc sửa đổi bổ sung Điều 6 Quyết định số 285/QĐ-UBND, ngày 30/01/2018 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc thành lập Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh.
Đây là mô hình mới và là thử thách mới đối với công tác quản lý của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao trong việc lựa chọn hướng đi cho phù hợp để phát triển nâng cao chất lượng công tác đào tạo huấn luyện và tổ chức thi đấu.
Vẫn còn đó những khó khăn, thử thách ở phía trước. Nhưng với việc củng cố tổ chức bộ máy, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mới đã tạo sự an tâm, tiếp thêm niềm tin và động lực cho tập thể cán bộ, viên chức, huấn luyện viên, vận động viên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo huấn luyện và tổ chức thi đấu ngày càng phát triển.
Đào Bích Sơn
Phó giám đốc TTHLTĐTDTT
Ý kiến bạn đọc