Với hương vị rất đặc trưng của vùng đất Đông Nam Bộ, Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng cuốn với thịt heo, thêm các loại rau, chấm vào nước mắm tạo sức thu hút kỳ lạ. Vì trong món ăn có những dư vị của cuộc sống: mặn, ngọt, chua, cay, chát, thơm, bùi, béo ...
Để có được bánh tráng ngon người làm bánh phải dùng gạo lúa mùa thường gạo Bằng cóc, So Miên; gạo phải làm thật sạch, không còn thóc, sạn, cám; sau khi làm sạch, vo gạo 01 nước sơ qua và đem gạo ngâm từ 12 đến 14 giờ, sau đó vớt ra vo kỹ độ 2-3 nước để ráo, cho vào cối đá xay thành bột cho ít muối vào khuấy đều để bột có độ dai. Sau khi làm bột là tráng bánh, cho ít bột vào màng vải căng kín miệng nồi hấp, người thợ dùng tay thao tát thật nhanh, tráng đều theo vòng tròn, đậy nồi lại; khoản 30 giây mở nấp nồi ra tráng thêm một lớp mỏng nữa bánh được tráng 2 lớp; dùng chiếc que tre gỡ nhẹ chiếc bánh, đặt trên thanh gỗ, hoặc nhôm, vớt thật nhanh đặt trên vĩ và đem phơi nắng độ từ 9 giờ đến 10 giờ 30 phút sáng. Sau khi khô bánh sẽ được đem nướng trên mẻ om, sau đó chờ đến lúc gần sáng, phơi sương độ 1 đến 2 giờ mang bánh vào, đem bọc kín trong lá chuối tươi để giữ cho bánh được mềm xốp, có độ dai bền, dùng vật nặng để dằng (ép, nén) bánh.
“Bánh mong manh như tình ai đó
Phơi thêm sương cho dẻo cho mềm
Rất dịu dàng là hạt sương đêm
Thấm vào bánh tấm lòng dân dã”
(Trích trong bài thơ “Bánh tráng phơi sương” của cô giáo Trần Mỹ Liên)
Chính vì nét độc đáo của bánh tráng phươi sương và được truyền từ đời này qua đời khác, ngày 13 tháng 10 năm 2015 Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Bánh tráng phơi sương cuốn thịt luột rau sống - đặc sản Tây Ninh
Bánh tráng phơi sương khi ăn cuốn với thịt heo (ba chỉ) xắt mỏng được luộc theo bí quyết rất khéo của người dân Trảng Bàng: Miếng thịt mềm, vị ngọt, bùi và béo; thêm các loại rau sống tươi non có vị: chát, ngọt, chua, béo và thơm ở trong vườn như húng lủi, cần nước, tía tô, diếp cá, hẹ, ngò, rau vị và các lá non mọc hoang dại bên bờ sông, suối như lá cóc, trâm ổi, lá nhái, lá lụa, đọt vừng, đọt kim cang, đọt lá xộp, quế cùng những lát dưa leo xắt dài, củ kiệu chua ngọt, giá sống đã làm nên món ăn “độc nhất vô nhị” của bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Và bí quyết hấp dẫn cuối cùng trong món ăn đặc sản là cách pha chế thành nước mắm chấm (nước mắm pha hơi ngọt, phải là loại nước mắm ngon pha cùng đường, chanh, ớt, tỏi).
Khi ăn người ăn phải dùng tay bóc ra một miếng bánh tráng, đặt lên chiếc đĩa không rồi mới lần lượt xếp với rau mình thích cùng vài miếng thịt heo luộc chấm vào nước mắm. Ăn thử một cuốn bánh tráng phơi sương những hương vị mặn, ngọt, chua, cay, chát, thơm, bùi, béo quyện trong từng thớ bột dẻo thơm của bánh tráng phơi sương khiến người ăn có khi đã quá no nhưng vẫn còn muốn ăn.
Huỳnh Mai
Ý kiến bạn đọc