Lễ giỗ 190 năm Ông Cả Đặng Văn Trước (Mùng 5/3 năm Bính Tuất 1926 - mùng 5/3 năm Bính Thân 2016)

Thứ tư - 20/04/2016 16:00 175 0

Lễ giỗ 190 năm Ông Cả Đặng Văn Trước (Mùng 5/3 năm Bính Tuất 1926 - mùng 5/3 năm Bính Thân 2016)

Thực hiện Đề án tổ chức Kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 1613/QĐ-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh; Ban quý tế Đền thờ Ông Cả phối hợp Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển của huyện Trảng Bàng tổ chức 190 năm Ngày giỗ ông Cả Đặng Văn Trước vào ngày mùng 4, 5/3ÂL/2016 tức ngày 11, 12/4/2016). Lễ giỗ 190 năm Ông Cả Đặng Văn Trước là một trong những hoạt động quan trọng trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển.

Năm 1818 Gia Long thứ 17, sau 9 năm làng Bình Tịnh được phong hiệu có ông trùm Đặng Văn Trước, cùng các ông Trùm Thê, Trùm Mưu, Trùm Vị và một số nhân hào, thân sĩ ở Tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương đến làng Bình Tịnh làm đơn xin nhượng lại một số đất để khai khẩn, lập làng với tên gọi là “Phước Lộc thôn” Trảng Bàng. Lưu dân các nơi tụ về cùng nhau mở đường, đào kênh, lập chợ, biến một vùng đất hoang vu, trở thành một khu vực trù phú về nông nghiệp và phát triển về thương nghiệp, tấp nập trên chợ dưới thuyền, kẻ mua người bán cùng nhau trao đổi sản vật; cùng với nhu cầu phát triển của cư dân, ông mua thêm một phần đất nữa để mở rộng địa giới của Phước Lộc thôn.
Năm 1836 Minh Mạng thứ 17, Phước Lộc thôn đổi thành “Gia Lộc thôn” thuộc Thuận An huyện, Tân An phủ, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Ông Đặng Văn Trước húy hiệu là Đặng Úy Dừa, người huyện An Nam tỉnh Bình Định. Ba anh em theo đoàn người Nam tiến, từ Bình Định vào lập nghiệp ở 3 nơi. Ông Đặng Văn Trước vào Bến Đồn (khoảng giữa Bùng Binh và Hố Bò), Tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương, làm chức trùm xâu, sau về Trảng Bàng lập Phước Lộc thôn (nay là xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Đến năm 1822 Minh Mạng thứ 3, ông được phong chức xã trưởng. Vào thời điểm này, giặc ngoại xâm thường hay quấy nhiễu và cướp tài sản của nhân dân, nhưng đều bị ông trùm Đặng Văn Trước và dân binh dẹp tan, vì thế, địa giới của làng và các vùng ông cai quản được mở rộng ra, làng xóm có cuộc sống thanh bình, nhân dân được cuộc sống ấm no, nên ông được phong chức “cả” trong làng. Năm 1826 Minh Mạng thứ 7 có xảy ra một vụ cướp thuộc địa bàn ông cai quản, đến khi đều tra ông không có liên quan nên xét ông vô tội và được tha. Trên đường đi hầu kiện về ông bị chết.

Ông Đặng Văn Trước mất ngày 5/3 năm Bính Tuất (1826). Để tưởng nhớ người có công mở đất, đào kênh, lập chợ cùng với nhân dân chống giặc giữ làng, sau khi ông mất nhân dân trong vùng an táng và xây dựng một ngôi mộ tại bùng binh Đôn Thuận và xây dựng đền thờ tại Thị trấn Trảng Bàng để tưởng nhớ đến công lao của ông. Hàng năm vào ngày 5 và 6/3 âm lịch bà con tề tựu về dự lễ giỗ tưởng nhớ công đức của ông.

Kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển, chúng ta càng nhớ đến những bậc tiền nhân đã có công khai phá vùng đất này, tưởng nhớ đến bao thế hệ ông cha đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc để cho đất nước thống nhất, độc lập tự do, để Tây Ninh – vùng đất biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc mãi mãi xinh tươi.

Trong ngày có ý nghĩa quan trọng, trước linh vị của ông Cả Đặng Văn Trước, các cháu, chắt nhiều thế hệ họ Đặng nói riêng, nhân dân huyện Trảng bàng bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân và tâm niệm “Ông cha ta có công khai hoang mở cõi, con cháu ngàn đời phải chung sức dựng xây”. Mỗi người ra sức xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển, cùng giữ gìn và làm cho các di tích tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều người biết đến.

Lễ giỗ 190 năm Ông Cả Đặng Văn Trước
thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn và trân trọng với những thành quả dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân; đặc biệt là những chiến công vang dội của quân dân Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; nâng cao lòng tự hào của nhân dân về vùng đất Tây Ninh, hình thành và phát triển 180 năm qua, dù bao nhiêu biến đổi, thăng trầm của lịch sử nhưng vùng đất Tây Ninh vẫn mãi mãi “xanh tươi, an ninh và trù mật” như ông cha ta từ nhiều thế kỷ qua đã từng kỳ vọng.  

 

 

Người viết: Nguyễn Thị Kim Phụng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây