Kết quả 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Thứ năm - 18/02/2016 15:35 783 0

Kết quả 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại công văn số 3404/UBND-VX ngày 12/11/2015 về việc ủy quyền Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; ngày 22 tháng 01 năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại hội trường Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

]

ảnh minh họa

 

Hội nghị với sự tham dự của hơn 80 đại biểu là đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; UBMTTQVN các huyện, thành phố; các đơn vị, Sở, ban, ngành có liên quan. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế để từ đó kịp thời đề xuất những kiến nghị, giải pháp định hướng trong thời gian tới; Hội nghị cũng nhằm biểu dương khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh.

 

Hội nghị đã thông qua báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội với những kết quả đạt được như sau:

Trong công tác chỉ đạo, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được thực hiện theo định hướng của Chỉ thị số 27 CT/TW của Bộ Chính trị và thực hiện theo Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; được cụ thể hóa bằng Quyết định số 286/2006/QĐ-UBND ngày 20/12/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành mẫu cờ báo tang treo tại nhà và mẫu cờ tang treo trên xe tang đối với những gia đình không theo tôn giáo khi có người thân qua đời.

 

Công tác triển khai thực hiện và phối hợp triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh luôn được thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ; trong quá trình 10 năm thực hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương. Bên cạnh đó, căn cứ tình hình địa phương hàng năm, mỗi thời điểm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn kịp thời ban hành những văn bản nhắc nhở chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý trên các lĩnh vực việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vào mùa lễ hội, tết Nguyên Đán.

 

Ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 286/2006/QĐ-UBND ngày 20/12/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội luôn được lồng ghép phối hợp triển khai thực hiện trong Phong trào “TDĐKXDĐSVH”. Ban chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” tỉnh đã đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào quy ước, bảng điểm bình xét công nhận các danh hiệu; vận động nhân dân đóng góp trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, lưu giữ các lễ thức xưa trong các lễ hội dân gian; đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc tang; những nghi lễ rườm rà, tốn kém, tiệc linh đình trong việc cưới; bài bạc, xem bói …trong các lễ hội.

 

Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện dưới các hình thức tổ chức hội nghị triển khai, thông qua các cơ quan thông tin truyền thông địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, thông qua hệ thống thiết chế văn hóa như Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã đã tổ chức tuyên truyền việc thực hiện sống văn minh bằng nhiều hình thức hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ, thông tin lưu động, cổ động trực quan pa-nô, áp phích. Qua đó đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân, góp phần hình thành và nhân rộng nếp sống văn hóa mới. Cụ thể:

 

* Đối với việc cưới:

 

Những nét đẹp về văn hóa, văn minh ngày càng được khẳng định qua việc cưới hỏi, góp phần xóa bỏ những tập tục lạc hậu, các phong tục truyền thống hôn lễ được phát huy gắn với quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình như: đăng ký kết hôn, quản lý hộ tịch và các quy định khác liên quan được thực hiện khá tốt. Thực hiện hôn nhân tự nguyện, tình trạng kết hôn qua môi giới đã giảm đi đáng kể.

Việc tổ chức cưới hỏi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được tổ chức theo nếp sống văn minh; tiệc cưới được tổ chức trân trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của gia đình. Các thủ tục lễ cưới không phô trương, rườm rà; thời gian tổ chức tiệc cưới chủ yếu vào ngày thứ bảy và chủ nhật không làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Tại các khu vực thành thị hiện nay có xu hướng tổ chức đám cưới ở nhà hàng, trung tâm tiệc cưới do đó đã giảm đáng kể tình trạng lấn chiếm lồng lề đường gây mất trật tự an toàn giao thông.

 

* Đối với việc tang:

 

Việc tổ chức tang lễ ở thị tứ hay nông thôn đều có nhiều chuyển biến tích cực, người dân có ý thức chấp hành tốt quy ước của khu dân cư về thực hiện NSVM trong việc tang và quy định của pháp luật về báo tử. Đặc biệt, trong cán bộ, đảng viên ít có trường hợp gây dư luận xấu trong nhân dân về biểu hiện không lành mạnh, thiếu văn minh, lãng phí… trong việc tang.

Hiện tượng an táng người thân trong đất thổ cư giảm đáng kể, đã có nhiều đám tang tiến hành theo hình thức hỏa táng. Đã hạn chế rất nhiều hiện tượng rãi vàng mã trên đường. Mọi nghi thức tang lễ nhìn chung được thực hiện chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc. Đặc biệt đối với gia đình không có đạo, khi có người thân qua đời đã sử dụng mẫu cờ tang chung theo quy định, không còn sử dụng cờ chữ thập đỏ để báo tang (treo tại nhà hoặc treo trên xe tang), đối với gia đình có tôn giáo thì sử dụng mẫu cờ của tôn giáo ấy khi có người thân qua đời. Việc sử dụng mẫu cờ tang chung theo mẫu quy định đã tạo sự thống nhất trong việc báo tang của các gia đình, thể hiện sự trang nghiêm trong việc tổ chức tang lễ.

Công tác xây dựng quy hoạch nghĩa trang nhân dân, nghĩa địa được các địa phương quan tâm thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 87/95 xã phường, thị trấn đã thực hiện quy hoạch nghĩa trang nhân dân, nghĩa địa, đảm bảo việc chôn cất người chết đúng nơi quy định, xa khu dân cư, dần khắc phục di dời những khu chôn cất tự phát từ trước không nằm trong quy hoạch.

 

* Đối với lễ hội:

 

Nhìn chung trong 10 năm qua, các lễ hội đã được tổ chức trên địa bàn tỉnh đều được diễn ra một cách trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đúng với tính chất và quy mô của từng lễ hội theo tinh thần Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Lễ hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng như đang trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, các giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội đã được gìn giữ, kế tục và phát huy; lễ hội lịch sử cách mạng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ; lễ hội dân gian đã được cộng đồng dân cư lưu giữ các lễ thức xưa; lễ hội tôn giáo thực hiện đúng quy định; tại các lễ hội những hiện tượng đốt vàng mã, bói toán, đồng bóng giảm đáng kể, an ninh trật tự được đảm bảo; vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, phòng chống cháy nỗ trong lễ hội luôn được quan tâm.

Lễ đón nhận huân chương, danh hiệu cao quý và các ngày lễ kỷ niệm, hầu hết các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.

Hội nghị cũng đánh giá được những mặt chưa được trong công tác triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội như sau:

 

* Về việc cưới

 

Trong 10 năm qua, các địa phương chưa thực hiện được việc nhân rộng gương điển hình trong việc cưới, chưa có trường hợp nào báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới hoặc tổ chức tiệc trà thay cho tiệc mặn tại gia đình, hội trường cơ quan, nhà văn hóa…tổ chức đám cưới không hút thuốc. Việc xây dựng đám cưới lành mạnh, tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị chưa rõ nét. Vẫn còn tình trạng chưa thực hiện đúng Luật hôn nhân gia đình (kết hôn thiếu tuổi, không đăng ký kết hôn) nhất là vùng nông thôn.

Một vấn đề nổi cộm hiện nay là hoạt động của các ban nhạc điện tử tư nhân phục vụ đám cưới sử dụng âm thanh vượt quá độ ồn cho phép, còn sử dụng những ca khúc chưa được phép phổ biến, hoạt động quá giờ quy định; trang phục cưới truyền thống đặc biệt trong đồng bào dân tộc thiểu số dần mất đi…

 

* Về việc tang

 

Một tồn tại nổi bật nhất là vấn đề nhạc tang trên địa bàn tỉnh, về bài bản phục vụ còn những bất cập như còn tự đặt lời tùy hứng trên nền nhạc một bài bản có sẵn để trở thành bài: “Vợ khóc chồng”, “con khóc cha”; bài bản sử dụng trong ban nhạc kèn tây chưa phù hợp, động tác biểu diễn được nâng lên thành vũ đạo, trò tung hứng gậy, trò xiếc trước linh cửu hay trên đường đưa đám tang gây phản cảm, thiếu sự trang nghiêm trước lih cữu và đôi khi gây mất trật tự, an toàn giao thông trên đường đưa đám tang.

Trong nhân dân và CBCC vẫn còn trường hợp tổ chức đám tang quá 48 giờ theo quy định, còn chôn người chết trong đất nhà, đất vườn và rải vàng mã trên đường đưa đám tang, phúng viếng bằng nhiều vòng hoa, tràng hoa gây tốn kém.

 

* Về lễ hội

 

Một số lễ hội dân gian, hình thức phần lễ còn đơn giản, chưa tạo được ấn tượng tôn vinh các vị tiền bối có công với dân, với nước. Nội dung phần hội cũng chưa thật phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt văn hóa lễ hội của nhân dân. Một số lễ hội của đồng bào dân tộc dần bị mai một các yếu tố truyền thống do các già làng không còn. Một số lễ hội đình thờ Thần hoàng bổn cảnh bị ảnh hưởng dần bởi các nghi thức tôn giáo. Một số hiện tượng đồng bóng bói toán, mê tín dị đoan có xu hướng phục hồi ở một số nơi. Về mặt tâm linh của nhân dân trong tỉnh, đa số có tâm linh hướng về mặt tích cực: kính trọng và tưởng bái người có công với dân, với nước; tuy nhiên vẫn còn một thiểu số có tâm linh theo hướng tiêu cực: thần thánh hóa khi chiêm bái, có nhu cầu xin xăm bói quẻ, đốt vàng mã, nhang và cúng dường thật nhiều…để mong được may mắn, giàu sang, mạnh khỏe.

Công tác tổ chức lễ hội nhìn chung chưa chú ý nhiều đến yếu tố vệ sinh môi trường, người dân tham gia lễ hội chưa ý thức cao về việc bảo vệ môi trường gây nên tình trạng ô nhiễm tại nơi diễn ra lễ hội, vấn đề an ninh trật tự, ùn tắc giao thông còn diễn ra trong những ngày cao điểm tổ chức lễ hội.  

Kết thúc hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện nếp sống văn minh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao 11 Giấy khen của Sở cho 11 tập thể, đồng thời đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng 3 tập thể đã có thành tích tiêu biểu trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh./.

N.T.G

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây