Hội nghị điển hình tiên tiến Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2011 - 2015

Thứ ba - 30/06/2015 18:10 59 0

Hội nghị điển hình tiên tiến Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2011 - 2015

Thực hiện Kế hoạch số 2295/KH-UBND ngày 17/9/2014 của UBND tỉnh về Tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại Hội Thi đua yêu nước tỉnh Tây Ninh lần thứ IV và Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ IX, ngày 29/6/2015 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công Hội nghị điển hình tiên tiến 5 năm (2016–2020).

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Hữu Ngân Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trưởng ban Thi đua -  Khen tỉnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh, đại diện các Sở trong Khối thi đua Văn hóa – Xã hội, lãnh đạo các phòng Khối quản lý hành chính Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin và Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện, thành phố và các tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen UBND tỉnh và Giấy khen Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ông Nguyễn Hữu Ngân - PGĐ Sở Nội vụ

Qua 5 năm triển khai thực hiện các phong trào thi đua, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Ngành văn hóa, thể thao và du lịch Tây Ninh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Qua đó, nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch được thực hiện thường xuyên tập trung vào các vấn đề cơ bản như làm rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng; kiện toàn và củng cố cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; đổi mới nội dung và hình thức thi đua, quy trình phát hiện, xem xét, lựa chọn các danh hiệu thi đua và những vấn đề có liên quan đến việc khen thưởng như tiêu chuẩn, danh hiệu, hình thức và đối tượng khen thưởng với nhiều hình thức: tổ chức hội nghị triển khai Luật thi đua khen thưởng, các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng đến từng đơn vị, cá nhân trong ngành; Hội đồng thi đua khen thưởng thường xuyên được củng cố phù hợp với tình hình thực tế.

Việc xét thi đua - khen thưởng thường xuyên, đột xuất được chú trọng, kịp thời động viên và phát huy những thành tích của từng cá nhân, đơn vị, những người trực tiếp lao động, sáng tạo, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp của ngành.

Trong những năm qua, toàn ngành từ tỉnh đến cơ sở đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chỉ tiêu được giao hàng năm hoàn thành đạt và vượt so với kế hoạch. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch với quy mô lớn, chất lượng cao đã được tổ chức thành công. Môi trường văn hóa, thể thao, du lịch ổn định và lành mạnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao của quần chúng nhân dân trong tỉnh.

Trên Lĩnh vực văn hóa Ngành đã triển khai thực hiện nhiều Quy hoạch và Hội thảo thực hiện các nhiệm vụ phát triển trên lĩnh vực văn hóa thực hiện các đề tài khoa học cấp tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Toàn ngành tập trung phục vụ những ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của dân tộc như Liên hoan Biểu dương các gương tiêu biểu thực hiện “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức, Kỷ niệm “50 năm Chiến thắng Tua hai”, Kỷ niệm “40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước”, 70 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam (2/9/1945 -2/9/2015), Lễ Đón nhận bằng Di tích Quốc gia Trung ương Cục miền Nam, Lễ Công bố Thành lập Thành phố Tây Ninh.  Công tác quản lý di sản: tổ chức thực hiện các kế hoạch hàng năm về sưu tầm, kiểm kê, phân loại, bảo quản…Bảo tồn và phát huy các  di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo. Hoạt động tổ chức trưng bày, triển lãm tranh ảnh, bản đồ tại chỗ và lưu động với nhiều chuyên đề chào mừng các ngày lễ lớn hàng năm. Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đến các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kiểm kê, bảo quản, sưu tầm 3.997 hiện vật. Lập phiếu kiểm kê khoa học cho 11.628 hiện vật. Nhập phần mềm cho 8402 hiện vật). Hệ thống thư viện công cộng thực hiện bổ sung sách báo, tài liệu, đảm bảo thường xuyên mở cửa phục vụ bạn đọc. Hàng năm phục vụ được khoảng hơn 98.000 lượt bạn đọc với hơn 336.000 lượt sách, báo, tài liệu. Triển khai thực hiện Dự án BMGF-VN. Hàng năm tổ chức khoảng 10 chương trình văn nghệ quần chúng phục vụ nhân dân đón giáng sinh, đón Tết dương lịch thu hút gần 5.000 lượt người tham dự. Tổ chức Liên hoan “Ấp phố vui chơi ca hát”, Liên hoan “Kịch ngắn - Kịch vui” với sự tham dự của 25 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp: xây dựng được 05 kịch bản mới, tổ chức tập luyện, biểu diễu hơn 300 suất phục vụ các nhiệm vụ chính trị. Phối hợp các địa phương thực hiện biểu diễn doanh thu, mỗi năm thu được hơn 100 triệu đồng. Thực hiện các buổi chiếu phục vụ cán bộ chiến sĩ và nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới nhân các ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm, thu hút hơn 50.000 lượt người/năm đến xem. Phối hợp với các địa phương thực hiện các buổi chiếu bóng doanh thu, thu được hàng chục triệu đồng/năm.

Thể thao phong trào từng bước phát triển, số người tập luyện thể thao thường xuyên không ngày càng nhiều (hiện nay đạt khoảng 29% số dân); công tác xã hội hóa ngày càng thu hút nhiều đơn vị, cá nhân quan tâm đầu tư thực hiện với nhiều mô hình CLB: võ thuật, thẩm mỹ, thể hình, nhịp điệu, bơi lặn, xe đạp, quần vợt, sân bóng đá mi ni….được thành lập và phát triển. Nhiều cơ quan, ban, ngành tổ chức các giải thể thao truyền thống như: Giải việt dã “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng”, Hội thao ngành giáo dục - đào tạo, ngành ngân hàng, lực lượng vũ trang…

Nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch được đảm bảo thực hiện. Tham mưu ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát triển Du lịch Tây Ninh giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn đến 2020”, “Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh, Quy hoạch phát triển du lịch Khu di tích núi Bà Đen…. Tổ chức một số Hội nghị-hội thảo, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, công tác quản lý Nhà nước. Thực hiện quản bá, xúc tiến du lịch thông qua báo, đài, cổng thông tin điện tử, các ấn phẩm, taì liệu và thông qua các lễ hội do Tây Ninh và các tỉnh khu vực Nam bộ tổ chức. Các khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú và các sản phẩm du lịch khác ngày càng nhiều, đa dạng, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu dạng của du khách. Số lượng khách du lịch đến các khu vui chơi giải trí, nhất là Khu di tích núi Bà ngày càng nhiều. Trung bình mỗi năm Khu di tích núi Bà đón hơn hai triệu lượt khách. 

Phong trào “TDĐKXDĐSVH” được đặc biệt quan tâm phối hợp tổ chức triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo phong trào được quan tâm củng cố, nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Ấp khu phố văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” được đề ra...đã góp phần cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, môi trường và làm cho diện mạo các khu dân cư từ thành thị đến nông thôn của tỉnh nhà tươi sáng hơn. 

Ngành đã tập trung triển khai tổ chức các hoạt động về tuyên truyền về công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, nhất là tuyên truyền thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020. Phối hợp các sở, ban, ngành, tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp Báo, Đải Phát thanh-Truyền hình Tây Ninh thực hiện các phụ trương, các phóng sự chuyên đề. Công tác gia đình đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần kéo giảm từ 10 đến 15%  số vụ bạo lực gia đình mỗi năm. 

Kết quả công tác khen thưởng về danh hiệu thi đua: Cờ thi đua của UBND tỉnh 13 tập thể; Cờ thi đua của Bộ 19 tập thể; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua tỉnh 05 cá nhân; Danh hiệu tập thể lao động xuất sắc 64; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 418 cá nhân; Danh hiệu lao động tiên tiến 777 cá nhân. Về hình thức khen thưởng Huân chương Lao động hạng III 06 cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 01 tập thể và 06 cá nhân; Bằng khen của Bộ 31 tập thể, cá nhân; Bằng khen của UBND tỉnh 78 tập thể, cá nhân; Giấy khen của Sở 560 tập thể, cá nhân.

Ngoài việc khen thưởng theo thành tích hàng năm tập thể và cá nhân ngành còn được tặng thưởng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về công tác phong trào. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hoá, Thể thao và Du lịch” cho 128 cá nhân; Riêng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tại thi đua Cụm miền Đông Nam bộ được tặng cờ thi đua của Bộ VHTTDL các năm 2011, 2013, 2014.

Tuy nhiên nội dung thi đua còn chung chung, chưa cụ thể, chưa bám sát mục tiêu kế hoạch đề ra, do vậy hiệu quả thi đua chưa cao. Một số cá nhân chưa tích cực thực hiện công tác thi đua; thiếu nhiệt tình trong công việc; tham gia thi đua mang tính hình thức, thủ tục. Công tác xem xét, bình chọn kết quả thi đua, đề xuất khen thưởng đôi khi còn lúng túng, đôi lúc chư đảm bảo thực chất. Nguyên nhân hạn chế: cán bộ, công chức phụ trách công tác thi đua chưa ổn định, chưa được tập huấn, hướng dẫn về công tác thi đua. Do vậy trong công tác tham mưu chưa đạt hiệu quả cao.Để thực hiện tốt công tác thi đua, cần đảm bảo sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng; sự tích cực phối hợp của lãnh đạo các đoàn thể và sự nhiệt tình hưởng ứng thực hiện của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Việc xây dựng các chỉ tiêu thi đua phải cụ thể, sát với yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với thực tế của từng đơn vị và từng lĩnh vực công tác. Bên cạnh đó, việc thực hiện ký kết giao ước thi đua và đăng ký thi đua phải được thực hiện ngay từ những ngày đầu năm để phấn đấu thực hiện tốt phong trào thi đua. Ngoài thi đua thường xuyên còn tổ chức các phong trào thi đua chuyên đề, sau mỗi đợt phải tổ chức sơ, tổng kết và khen thưởng và đề nghị khen thưởng kịp thời những thành tích của phong trào. Nhất là chú trọng đến việc khen thưởng đột xuất và khen thưởng từng mặt, thành tích đến đâu khen đến đó. Công tác khen thưởng là một trong những biện pháp tích cực, nhằm động viên các tập thể và cá nhân hăng hái tham gia các phong trào thi đua. Vì vậy, cần chú trọng việc bình xét thi đua phải đảm bảo tính dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời và đúng quy định không nể nang, hình thức. Thực hiện tốt quy chế dân chủ và nhân điển hình tiên tiến, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cả về ý chí lẩn hành động trong tập thể đơn vị, ngành. Gắn công tác thi đua khen thưởng với công tác xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị, xây dựng đoàn thể vững mạnh, lấy việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị chuyên môn là mục tiêu và là động lực quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức thi đua phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động, từng thời điểm công tác. Việc bình xét kết quả thi đua và đề xuất khen thưởng phải dựa trên các tiêu chí đã được đề ra trong các thang, bảng điểm được thống nhất từ khi phát động, đồng thời dựa trên kết quả, thành tích cụ thể quá trình thi đua của từng tập thể, cá nhân, tránh rập khuôn, hình thức. Cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng cần được ổn định để tích luỹ kinh nghiệm và am hiểu, thực hiện công tác tham mưu kịp thời, chính xác hơn.

Qua Hội nghị điển hình tiên tiến ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2011-2015 tạo ra niềm tin vững chắc trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chung sức thi đua, cống hiến cho sự nghiệp ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh trong giai đoạn 5 năm tiếp theo 2015-2020.

 

Kim Hoa

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây