Giải pháp phát triển du lịch Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Thứ ba - 26/07/2022 14:31 4.043 0
Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Tây Ninh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, doanh thu du lịch tăng trưởng nhanh, sự phát triển của ngành du lịch đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh nhà chuyển dịch theo hướng tích cực, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động, cải thiện bộ mặt nông thôn, phát triển đô thị.
Tỉnh đã xác định Du lịch là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng du lịch trong GRDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch 1833/KH-UBND ngày 10/6/2022 về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, để thực hiện mục tiêu trên, cần chú trọng thực hiện các giải pháp cụ thể:
1. Tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch
- Chú trọng công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc, đóng góp chính vào hội nhập kinh tế, tạo động lực cho các ngành khác phát triển; phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường.
- Vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử, văn minh, thân thiện với du khách và bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển du lịch bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Tây Ninh.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá dịch vụ, an toàn vệ sinh thực phẩm, chèo kéo khách du lịch, gây ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm, du lịch, không để xảy ra hiện tượng người ăn xin hoạt động trên địa bàn, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên lĩnh vực du lịch.
2. Thu hút đầu tư phát triển du lịch
- Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh theo hướng đơn giản, tạo điều kiện cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp với chính sách ưu đãi nhất trong đầu tư phát triển du lịch.
- Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Công khai, minh bạch thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư. Tăng cường công tác hậu kiểm đối với các dự án đầu tư chậm triển khai, các dự án triển khai nhưng không hiệu quả. 
3. Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch
- Đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các dự án kết nối Tây Ninh với các tỉnh giáp ranh và các dự án trọng điểm, như: cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà, đường kết nối từ ĐT.784 (Tây Ninh) đến ĐT.744 (Bình Dương), đường ĐT.782-ĐT.784, đường liên tuyến kết nối vùng N8-ĐT.787B-ĐT.789, cầu An Hoà.
- Nghiên cứu giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh và từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp.
- Khuyến khích, đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú du lịch hiện có theo tiêu chuẩn quốc gia; khuyến khích, ưu tiên phát triển cơ sở lưu trú có chất lượng, đạt tiêu chuẩn từ 03 sao trở lên. Khôi phục và phát triển các loại hình vui chơi giải trí dân gian lành mạnh; hình thành hệ thống các trung tâm vui chơi giải trí hỗn hợp về văn hoá, thể thao. Quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn; phát triển và xây dựng thương hiệu ẩm thực truyền thống đặc sắc của địa phương.
- Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hiện đại hóa và mở rộng mô hình sản xuất, giới thiệu, trưng bày, phân phối, ... một số sản phẩm quà tặng, lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản mang đặc trưng của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển hoạt động thương mại qua biên giới; thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.
4. Phát triển nguồn nhân lực
- Rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp quốc gia; tham mưu các giải pháp để tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ và đào tạo nghề theo nhu cầu của người sử dụng lao động, gắn đào tạo với địa chỉ sử dụng lao động cụ thể gắn với các định hướng phát triển kỹ năng và kinh nghiệm của các làng nghề.
- Đẩy mạnh xã hội hóa trên lĩnh vực đào tạo nghề giai đoạn 2021-2025; hình thành các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch ngoài công lập tại Tây Ninh có chất lượng, uy tín và thương hiệu. Thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo và thu hút nhân tài của tỉnh Tây Ninh, nhất là thu hút sinh viên loại giỏi, trình độ sau đại học đối với các chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu.
- Triển khai thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ; phối hợp Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nguồn nhân lực du lịch, quản lý điểm đến, hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan để mở các lớp đào tạo nhân lực phục vụ du lịch.

 
lớp bồi dưỡng nv
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Hướng dẫn viên du lịch tại điểm tại Tây Ninh
5. Phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch
- Tổ chức điều tra, thu thập thông tin về thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa, xu hướng du lịch trong tương lai phục vụ việc xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của khách.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, quảng bá du lịch, chú trọng chất lượng nội dung, hình thức ấn phẩm quảng bá và phương tiện thông tin hiện đại có sức lan truyền mạnh, rộng; tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng có lựa chọn, mang tính chuyên nghiệp.
6. Phát triển loại hình du lịch
- Đầu tư xây dựng Khu thương mại, dịch vụ ven chân núi phía Nam; đưa vào sử dụng Khu tham quan chuyên đề, lưu trú, thương mại, dịch vụ du lịch trên đỉnh núi; đưa vào sử dụng Khu công viên chuyên đề dọc tuyến đường bộ lên đỉnh núi Bà Đen. Phát triển hoàn chỉnh khu vực trung tâm thương mại dịch vụ, khu lưu trú nghỉ dưỡng. Hoàn thành đưa vào sử dụng các khu chức năng theo quy hoạch phân khu thuộc Khu du lịch núi Bà Đen; Hỗ trợ, khuyến khích các loại hình du lịch mới như: Kinh khí cầu, Dù lượn, leo núi mạo hiểm, tắm nước lá thuốc.v.v. 
Về du lịch Văn hóa – Lễ hội
- Hình thành sản phẩm du lịch gắn với đẩy mạnh phát triển và trải nghiệm các loại hình văn hóa tìm hiểu lịch sử về nguồn, tinh hoa ẩm thực, phong tục, tập quán, lối sống dân tộc Khơ-mer, dân tộc Chăm, trình diễn nghệ thuật múa trống Chhay-dăm và đờn ca tài tử Nam Bộ; Hội Yến Diêu Trì Cung, Hội xuân Núi Bà Đen, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, Lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương, Lễ hội ẩm thực chay Tây Ninh, Lễ hội mãng cầu Bà Đen, Lễ hội Kỳ Yên Đình Gia Lộc, Lễ hội Quan lớn Trà Vong, Tết Cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và Tết San-un-cô Thamun của Người Tà Mun …
Về du lịch nông nghiệp
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho nông dân trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Đề án “Chuỗi giá trị và cụm ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh” và Danh mục ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khíchưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phục vụ nhu cầu mua sắm, quà tặng của khách du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các công trình phục vụ khách du lịch như: Bãi đỗ xe, khu bán sản phẩm địa phương, phục vụ ẩm thực, lưu trú … gắn với các nông trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; các vùng sản xuất cây đặc sản, cây có thế mạnh của tỉnh.
Về du lịch sinh thái
- Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tìm hiểu đa dạng sinh học, phát huy tối đa lợi thế Vườn Di sản ASEAN - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các loại hình dịch vụ du lịch đường thủy, cắm trại, đi bộ xuyên rừng, xe ô tô địa hình, các hoạt động thể thao dưới nước,…
- Phát triển các loại hình du lịch sinh thái; dịch vụ du lịch dọc tuyến sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông kết hợp du lịch sinh thái, miệt vườn hình thành các điểm dừng chân có bãi đỗ xe, bến tàu, nghỉ dưỡng, ăn uống ven sông, các hoạt động thể thao dưới nước,…Rà soát, tham mưu bổ sung các điểm du lịch; các loại hình du lịch khu vực Hồ Dầu Tiếng.
Về du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử
- Tham mưu UBND tỉnh tập trung đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển điểm đến du lịch như: di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương cục miền Nam; di tích lịch sử Căn cứ Dương Minh Châu; di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Tua Hai; di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời,… tạo lợi thế phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác tối đa nguồn khách từ học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, khách tham quan về nguồn.
Về phát triển sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng và điều kiện
- Chủ động lựa chọn sản phẩm du lịch, xây dựng các khu, điểm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương để kết nối hệ thống du lịch chung của tỉnh, tạo ra sự đa dạng phong phú về sản phẩm du lịch. Phát triển các loại hình dịch vụ du lịch dọc tuyến sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông kết hợp du lịch sinh thái, miệt vườn hình thành các điểm dừng chân có bãi đỗ xe, bến tàu, nghỉ dưỡng, ăn uống ven sông, các hoạt động thể thao dưới nước…
- Hình thành các trung tâm mua sắm hiện đại, hệ thống cửa hàng lưu niệm, đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống địa phương phục vụ du lịch gắn với các khu di tích văn hóa-lịch sử; các vùng chuyên canh cây đặc sản; các nông trại nông nghiệp công nghệ cao.
7.Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến, quảng bá du lịch, trong đó chú trọng vào việc thu thập thông tin và xây dựng nguồn dữ liệu; phát huy tối đa hiệu quả các ứng dụng Du lịch thông minh tỉnh Tây Ninh vào công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch.
- Phối hợp tổ chức các đoàn báo chí, các công ty lữ hành, đoàn làm phim, các kênh truyền hình, các đơn vị báo chí chuyên đề du lịch tới khảo sát điểm đến, viết bài, thực hiện phóng sự, làm phim về Du lịch Tây Ninh; xây dựng chương trình du lịch theo mô hình liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ; truyền tải trên các nền tảng kỹ thuật số.

 
Đoàn ct
Đoàn công tác Tổng cục Du lịch khảo sát tại Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài- Tây Ninh
- Thực hiện các ấn phẩm, phim ngắn (clip, trailer) chuyên đề theo từng thị trường quảng bá; đa dạng phong phú về phim tư liệu tại các điểm du lịch. Tăng cường truyền thông cổ động trực quan như xây dựng hệ thống Pa-nô cổ động tấm lớn tại các tuyến đường cửa ngõ vào địa phận tỉnh Tây Ninh và các cửa khẩu quốc tế: Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam.
8. Ứng dụng khoa học học, công nghệ
- Phối hợp truyền thông, tổ chức các khoá đào tạo về khởi nghiệp trong dịch vụ du lịch; hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tại địa phương tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch.
9. Quản lý nhà nước về du lịch
- Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước làm công tác quản lý về du lịch và liên quan đến du lịch có đầy đủ kiến thức, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn về du lịch và các ngoại ngữ cần thiết. Triển khai các chương trình giáo dục cộng đồng, tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch, bảo vệ tài nguyên du lịch, nâng cao ý thức của dân cư về ứng xử văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch. Xây dựng, triển khai Chương trình ứng xử văn minh du lịch, Kế hoạch hành động “Vệ sinh - Văn minh - Lịch sự” trong hoạt động du lịch tại Tây Ninh.
Để triển khai các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao trách nhiệm cho các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tích cực, chủ động, phối hợp trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch đạt hiệu quả trong thời gian tới./.

Tác giả: Đinh Thi Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây