Gần 40 di tích lịch sử - văn hóa đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thứ ba - 05/01/2016 21:15 299 0

Gần 40 di tích lịch sử - văn hóa đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Trước kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII nhiệm kỳ 2011 – 2016 có nhiều ý kiến của cử tri và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời về việc “Đối với công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa còn tồn tại hai vấn đề lớn: Quản lý, sử dụng và phát huy giá trị lịch sử nhằm giáo dục truyền thống; việc khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích …”.

Năm 2007 khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa (gọi chung là di tích) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thì tất cả các di tích lịch sử - văn hóa ở Tây Ninh đã được xác lập chủ thể quản lý đối với di tích. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) trực tiếp quản lý các di tích: Tháp cổ Bình Thạnh (Trảng Bàng), tháp cổ Chót Mạt (Tân Biên), di tích khảo cổ Gò Cổ Lâm, Địa điểm chiến thắng Tua Hai (Châu Thành) và di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng và du lịch núi Bà Đen (thành phố Tây Ninh).

 

Thực hiện Quyết định số 19 của UBND tỉnh, hơn 8 năm qua Sở VHTT&DL đã có nhiều cố gắng và tích cực tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các di tích đã được xếp hạng; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung thành lập và cũng cố hoạt động các Ban quản lý di tích; rà soát cắm mốc bảo vệ di tích, xây dựng bảng tóm tắt giới thiệu di tích, thực hiện các tiêu chí bảo vệ môi trường di tích và lễ hội dân gian gắn với di tích theo Quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và đặc biệt là lập hồ sơ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích. Đến nay hầu hết các di tích trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập Ban quản lý di tích với thành phần được cơ cấu theo quy định của Bộ VHTTDL; các Ban quản lý đã từng bước xây dựng các nội quy, quy chế hoạt động. Việc cắm mốc bảo vệ di tích cũng được tăng cường; tuy nhiên còn khá nhiều di tích đang bị lấn chiếm ở các địa phương.

 

Việc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đã được các ngành, các cấp quan tâm phối hợp thực hiện và có sự chuyển biến rất tích cực; đầu năm 2013 UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng và các huyện, thành phố quan tâm thực hiện công tác này, 3 năm qua Sở VHTT&DL đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các huyện, thành phố thực hiện nhưng chưa có chuyển biến. Năm 2014 toàn tỉnh chỉ có 14/86 di tích được cấp giấy CNQSDĐ và đến tháng 11/2015 cũng chỉ có 15/86 di tích được xếp hạng có giấy CNQSDĐ và số còn lại chưa có hồ sơ nào gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Tuy nhiên theo báo cáo của Sở VHTT&DL hiện nay toàn tỉnh đã hoàn chỉnh gần 40 hồ sơ do các huyện, thành phố lập và đã gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường đang chờ thẩm định để trình UBND tỉnh xem xét cấp giấy CNQSDĐ cho các di tích (riêng huyện Tân Biên chưa có hồ sơ nào).

 

Có thể nói việc cấp giấy CNQSDĐ cho các di tích luôn được cử tri và các đại biểu quan tâm trong thời gian qua. Với kết quả nêu trên cho thấy Sở VHTTDL đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương để lập hồ sơ đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét, nhưng trong thực tế việc lập hồ sơ đã gặp nhiều khó khăn, nhất là việc cơ quan chức năng tiến hành xếp hạng di tích khi người dân đã sinh sống trên diện tích được khoanh vùng bảo vệ khu di tích từ rất lâu; hoặc đất do có các chùa sở hữu một phần diện tích của di tích, do đó việc xác định diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích để cấp giấy CNQSDĐ không thể thực hiện được. Gần 40 di tích đã có hồ sơ đang đề nghị UBND tỉnh xem xét cấp giấy CNQSDĐ là sự nổ lực và cố gắng rất lớn của các ngành các cấp trong thời gian qua. Hy vọng rằng sắp tới các di tích còn lại sẽ được tháo gỡ khó khăn để có giấy CNQSDĐ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh./.

Võ Hoà Minh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây