Năm 1997, công việc xây dựng lăng mộ hoàn thành gồm có 2 quần thể thờ tự đó là khu vực Mộ và khu vực Nhà tưởng niệm thờ tự ông với diện tích 13.088m2. Đến năm 2013, được sự đồng ý của các ngành chức Ban quản lý Lăng mộ đã tráng nền xung quanh Lăng mộ, xây dựng nhà khách và bia tiểu sử Quan lớn Trà Vong. Lăng mộ quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 135/QĐ-CT ngày 27/9/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Quan lớn Trà Vong tên thật là Huỳnh Công Giản sinh năm 1722 (Nhâm Dần) và tuẫn tiết vào năm 1782 (tháng 2 Nhâm Dần), sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình nông dân, thân sinh của ông là Huỳnh Công Cẩn, quê ở Nhật Tảo – Tân An. Ông có 2 người em trai là Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ, thuở nhỏ 3 anh em đều đi học chữ nho, đến năm 17 tuổi ông rất giỏi về thi phú. Năm 1749 các ông được triều đình nhà Nguyễn cử vào trấn nhậm tại Tây Ninh để chống giặc, khai hoang, quy dân lập ấp. Huỳnh Công thắng đem quân đóng ở Cẩm Giang (Gò Dầu, Tây Ninh), Huỳnh Công Nghệ đóng quân tại Bến Thứ (nay thuộc xã Tân Phong, huyện Tân Biên), Huỳnh Công Giản đến vùng Trà Vong thành lập ba ấp: Tân Lập, Tân Hội, Tân Hiệp. Ông đánh giá vùng Cẩm Giang và Bến Thứ là nơi xung yếu, vì đó là con đường chiến lược “con đường xứ” từ Chân Lạp sang nước ta, riêng vùng Trà Vong thì quân lính ít hơn. Biết thế nên bọn thổ phỉ đã chọn nơi này tổ chức tập kích bất ngờ, giặc lại đông hơn gấp nhiều lần, trong cuộc chiến không cân sức, ông cho người đi viện binh của em là Huỳnh Công Nghệ vừa tổ chức chiến đấu chống giặc, vừa tổ chức bảo vệ thành trì, nhưng sức người có hạn, khi thấy binh sĩ hi sinh quá nhiều, trong lúc viện binh chưa đến kịp, biết khó lòng lay chuyển được tình thế, theo quan niệm của ông “thành mất, tướng phải mất theo”, ông vung gươm quyết chiến cùng giặc đến sức cùng lực kiệt, ông quay gươm tuẫn tiết không để lọt vào tay giặc. Huỳnh Công Giản ngã xuống, quân giặc lớp lớp tràn vào thành, trong lúc đó viện binh ông Huỳnh Công Nghệ đến, quân giặc vẫn còn đông nhưng đã đói và mệt kiệt sức kháng cự, quân ông Huỳnh Công Nghệ đã giành thắng lợi, cánh đồng Trà Vong trở thành mồ chôn của quân giặc, số tàn quân sống sót chạy về bên kia biên giới không còn dám xâm phạm biên giới nước Việt.
Khi Huỳnh Công Giản qua đời nhân dân đã an táng ông bên bờ suối Trà Vong nay thuộc ấp 3, xã Trà Vong, huyện Tân Biên, một vùng đất chiến trường xưa, nơi ông ngả xuống cũng là nơi ông đã góp nhiều công sức khai phá và thành lập 3 ấp Tân Lập, Tân Hội và Tân Hiệp. Kính phục trước sự hy sinh cao cả, hào hùng của Huỳnh Công Giản, với lòng thành kính người đã có công mở đất một thời ở Tây Ninh, chính khí lẫy lừng đã thấm sâu vào lòng nhân dân, họ sùng bái, truyền tụng nhau tạo nên huyền thoại về sau. Hằng năm đến ngày 12/2 âm lịch là ngày cúng giỗ và lễ hội kỳ yên đại thần quan lớn Trà Vong được tổ chức vào ngày 15-16 tháng 3 âm lịch, nhằm tưởng niệm, tri ân vị đại thần có công đánh giặc, giữ yên bờ cõi và cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an.
Ngoài lăng Quan lớn Trà Vong ở ấp 3, xã Trà Vong, huyện Tân Biên, Tây Ninh và đền thờ chính ở xã Mỏ Công người dân lập miếu, dinh, đình, đền phụng thờ ông, có những nơi mà có dấu chân của ông đi qua: Miếu quan lớn Trà Vong thuộc suối Vàng, ấp Thạnh Trung, Thạnh Tân, Hòa Thành, Tây Ninh; Miếu quan lớn Trà Vong thuộc Thái Vĩnh Đông nay là khu phố 2, phường 1, thị xã Tây Ninh; Miếu quan lớn Trà Vong ở Cầy Xiêng, xã Thái Bình, Châu Thành, Tây Ninh.
Đến thắp nén nhang thành kính tưởng nhớ đến Người, kẻ hậu sinh như được trở về với cội nguồn, càng tự hào về sự hy sinh cao cả, hào hùng và công đức khai bờ mở cõi của tiền nhân và càng yêu quý hơn mảnh đất quê hương mình đã thắm máu xương của những thế hệ trước.
Huỳnh Mai
Ý kiến bạn đọc