Bước đầu đã xác định được nguồn gốc, thành phần dân tộc của nhóm người Tà Mun

Thứ ba - 13/10/2015 15:10 137 0

Bước đầu đã xác định được nguồn gốc, thành phần dân tộc của nhóm người Tà Mun

Theo nguyện vọng của hàng ngàn cư dân là người Tà Mun ở Tây Ninh về địa vị pháp lý của tộc người Tà Mun trong xã hội hiện nay, năm 2012 UBND tỉnh Tây Ninh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Tây Ninh là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, xác định thành phần dân tộc của nhóm người Tà Mun tại Tây Ninh”.

 

Thực hiện chủ trương của Tỉnh Sở VHTT&DL Tây Ninh đã xây dựng kế hoạch và tiến hành triển khai thực hiện với lộ trình hai năm từ tháng 10 năm 2012 và kết thúc nghiệm thu đề tài vào vào năm 2014. Để đề tài đạt được kết quả cao, Sở VHTT&DL Tây Ninh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu dân tộc thuộc Ủy ban dân tộc, Vụ địa phương III - Ủy ban dân tộc cùng tham gia thực hiện đề tài.

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy Tây Ninh là địa phương có sự giao thoa, hội tụ văn hóa của nhiều dân tộc sống cộng cư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, người Tà Mun được xem là nhóm người có số dân đứng hàng thứ tư sau người Hoa, Khmer, Chăm; có những nét văn hóa đặc thù, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Tây Ninh. Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2012, các dân tộc thiểu số khác có số lượng ít trong 22 thành phần dân tộc thiểu số ở Tây Ninh (chiếm tỷ lệ 0,06%) trong đó có nhóm người Tà Mun là: 1.839 người chiếm 0,16%.

 

 

 

Ảnh: Già làng Lâm Văn Xích – người Tà Mun ở xã Thạnh Tân – TP.Tây Ninh

 

 

Người Tà Mun cư trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tập trung chủ yếu ở: Thành phố Tây Ninh, huyện Tân Biên, huyện Tân Châu và huyện Dương Minh Châu. Về nguồn gốc và thành phần dân tộc của người Tà Mun hiện nay đang là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Trong “Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam” tuy không có dân tộc Tà Mun, nhưng trong một số công trình nghiên cứu khoa học có đề cập đến nhóm người này. Đa số đời sống kinh tế của người Tà Mun còn gặp rất nhiều khó khăn, các tập tục cổ truyền cũng như bản sắc văn hóa đã dần dần mai một theo thời gian, người Tà Mun không có chữ viết, chỉ lưu giữ được tiếng nói riêng của mình. Hiện nay nhóm người này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định, chứng minh về nhân thân trong quá trình kê khai về thành phần dân tộc theo qui định của Pháp luật. Mong muốn của người Tà Mun là được quan tâm khôi phục lại các tập tục cổ truyền và được khẳng định mình là dân tộc Tà Mun chứ không phải là Stiêng hay Khmer.

 

Nhóm nghiên cứu đề tài đã phục dựng lại các phong tục cổ truyền của (bản sắc văn hóa) người Tà Mun tại Tây Ninh; một số ít đã dần mai một theo thời gian. Về tiếng nói, chữ viết của người Tà Mun các chuyên gia ngôn ngữ học, dân tộc học cũng đã nghiên cứu, phân tích và xác định người Tà Mun có ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt với người Stiêng và Khmer. Kết luận tại các buổi tọa đàm, trưng cầu ý kiến của các nhà nghiên cứu về bản sắc văn hóa và thành phần dân tộc của người Tà Mun, cũng đã khẳng định và chứng minh nguồn gốc thành phần dân tộc người Tà Mun tại Tây Ninh là hoàn toàn có cơ sở.

 

Văn hóa các dân tộc thiểu số là tài sản quý giá góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của văn hóa Việt Nam nói chung, của tỉnh Tây Ninh nói riêng. Giữ gìn bản sắc và sự đa dạng của văn hóa các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn ở kỷ nguyên toàn cầu hóa. Do đó, việc nghiên cứu sưu tầm về bản sắc văn hóa và xác định thành phần dân tộc của người Tà Mun ở Tây  Ninh sẽ mang lại các hiệu quả thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nhóm người này, giảm sự chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền để phát triển bền vững, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

 

 

 

 Ảnh: Nghệ nhân Lâm Thị Niệm “Hát ru con” dân ca Tà Mun 

 

 

 Như vậy về thành phần dân tộc của nhóm người Tà Mun ở Tây Ninh, qua nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài chúng ta có thể khẳng định rằng “Thành phần dân tộc của nhóm người Tà Mun ở Tây Ninh có đủ các tiêu chí để xác định thành phần dân tộc; đó là ngôn ngữ, bản sắc văn hóa và ý thức tự giác dân tộc”.

 

Căn cứ các tiêu chí xác định thành phần dân tộc: ngôn ngữ, bản sắc văn hóa, ý thức tự giác dân tộc và qua kết quả của công trình nghiên cứu có thể thấy rằng, người Tà Mun tại Tây Ninh là một cộng đồng dân tộc thiểu số có  Ngôn ngữ riêng; có bản sắc văn hóa riêng biệt, phong phú và đa dạng; có ý thức tự giác dân tộc rất cao. Hiện nay, mặc dù có dân số không đông nhưng tính cộng đồng đã được nâng lên đáng kể, cộng đồng người Tà Mun nói chung, từng người dân Tà Mun nói riêng đang hình thành một ý thức tộc người độc lập, xu hướng mong muốn trở thành một tộc người độc lập với tộc danh riêng của mình. Mới đây tại Liên hoan dân ca Việt Nam – năm 2015 khu vực Nam bộ diễn ra từ ngày 5 – 9/5/2015 tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, người Tà Mun – Tây Ninh đã tạo được dấu ấn riêng của người Tà Mun bằng tiết mục “Ru con ngủ” (dân ca Tà Mun) do hai nghệ nhân Lâm Thị Niệm  và Lâm Thị Thể thể hiện đạt giải A và đạt giải B tại liên hoa dân ca toàn quốc – năm 2015 tại thành phố Vinh – Nghệ An. Như vậy người Tà Mun – Tây Ninh đã có bản sắc văn hóa riêng rất độc đáo và điều này cũng đã được nhóm nghiên cứu ghi âm, ghi hình … và thể hiện trong báo cáo khoa học của đề tài.

 

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Tà Mun, chính quyền địa phương cần có chủ trương thực hiện các công trình nghiên cứu các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, chú trọng các hoạt động sưu tầm, giới thiệu; mô tả các sản phẩm văn hóa người Tà Mun nhiều hơn nữa. Đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa tại các địa phương có đông người Tà Mun sinh sống, các công trình văn hóa mang bản sắc văn hóa Tà Mun; các cơ quan chức năng tổ chức các hội thi, hội diễn mang bản sắc dân tộc thiểu số trong đó khuyến khích các tiết mục tham gia của người Tà Mun; tạo điều kiện, hướng dẫn người Tà Mun phát huy các lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tích cực bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan.

 

Tóm lại, từ nhiều thập kỷ qua, nhất là từ khi có chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, chính sách dân tộc ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần tích cực trong việc cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người Tà Mun. Nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước và sự nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao và tình cảm sâu sắc của người Tà Mun đã giúp họ tiếp thu được các thành tựu tiên tiến của thời đại, những tinh hoa văn hóa của các dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tồn tại. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực tế về nhóm người Tà Mun để thực hiện đề tài khoa học này, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, vật chất và tinh thần của nhóm người Tà Mun tại Tây Ninh hiện nay và trong những năm tiếp theo còn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là trong việc kê khai về nhân thân có liên quan đến các thủ tục hành chính và những quyền lợi về chính sách dân tộc khác của mình, họ rất cần được sự quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn nữa. Nhà nước và sự chung tay, góp sức của cộng đồng, để họ nhanh chóng phát triển và hòa nhập vào nhịp sống chung với cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.

 

Võ Hoà Minh 

 

 


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây