Công tác quản lý Nhà nước về di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 11/11/2013 21:30 148 0

Công tác quản lý Nhà nước về di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, từ năm 2007 Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về di tích. Theo đó, hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh được phân cấp quản lý rất cụ thể.

 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý 06 di tích lịch sử cấp quốc gia: giao cho Bảo tàng tỉnh trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị 05 di tích: Tháp cổ Bình Thạnh, Tháp cổ Chót Mạt, di chỉ khảo cổ Gò Cổ Lâm, di tích chiến thắng Tua Hai, căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời; giao BQL Khu DTLS&DT Núi Bà quản lý Khu DTLSVH Núi Bà Tây Ninh. Ban quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam quản lý 03 di tích lịch sử cấp quốc gia: Căn cứ Trung ương cục miền Nam, Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Công an Tây Ninh quản lý 03 di tích: 1 di tích cấp quốc gia - Căn cứ Ban An ninh miền; 02 di tích cấp tỉnh: Căn cứ Bàu Rong (Ban An ninh Tây Ninh) và Khám đường Tây Ninh (Trại giam). Bưu điện Tây Ninh quản lý 01 di tích cấp tỉnh:  di tích Địa điểm lưu niệm B10-B22 Giao Bưu vận Tây Ninh. Các huyện, thị xã quản lý 69 di tích (cấp quốc gia: 13, cấp tỉnh: 56)

 

Từ tỉnh đến cơ sở đã thống nhất, xác định rõ trách nhiệm các ngành, các cấp trong việc quản lý di tích trên địa bàn; Một số địa phương: Hòa Thành, Thị xã đã thực hiện việc phân cấp quản lý cụ thể cho UBND các xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao vai trò quản lý nhà nước, thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, nâng cao nhận thức và huy động tối đa các nguồn lực của toàn xã hội trong việc tham gia quản lý bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Qua đó hàng năm các ngành, các cấp có kế hoạch bảo tồn và phát huy di tích. Nhiều ngành, địa phương đã thành lập, phân công tổ chức cá nhân quản lý di tích, đặc biệt có nhiều ban quản lý di tích được hình thành trên cơ sở tự nguyện tham gia, cộng đồng trách nhiệm của nhân dân.

Hàng năm, công tác trùng tu tôn tạo di tích cũng đã được các cấp chính quyền có kế hoạch trùng tu tôn tạo di tích.

 

* Trong 02 năm 2011, 2012 có 6 di tích: Di tích lịch sử văn hóa Dương Minh Châu, đình Hiệp Ninh, đình Thái Bình, khu di tích lịch sử văn hóa du lịch Núi Bà Đen, Địa đạo Lợi Thuận, địa đạo An Thới được đầu tư với tổng kinh phí là 69,318 tỷ đồng. 

* Các dự án đầu tư xây dựng trong năm 2013 có 4 di tích: Di tích Khám đường, Tháp cổ Bình Thạnh, Tháp Chót Mạt, khu di tích Chứng tích tội ác Khơ me đỏ được đầu tư với tổng kinh phí là 8,625 tỷ đồng.

* Các dự án dự kiến đầu tư xây dựng giai đoạn 2013- 2015 có 2 di tích: Tượng đài chiến thắng Junction City, Di tích Xứ uỷ Nam bộ Đồng Rùm được đầu tư với tổng kinh phí là 45,884 tỷ đồng.

 
Hầu hết các Ban quản lý di tích phối hợp với chính quyền địa phương chủ động kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các xâm hại di tích; phối hợp ngành VHTTDL tiến hành cắm mốc và khoanh vùng bảo vệ di tích; hiện nay trên địa bàn tỉnh có 82 di tích xếp hạng được khoanh vùng bảo vệ; khi phát hiện những trường hợp xâm hại di tích, Ban quản lý các di tích tham mưu các ngành, các cấp có liên quan xử lý nhanh, ngăn chặn kịp thời, không để tình trạng di tích bị xâm hại.

 

Công tác phát huy các giá trị di tích cũng được thực hiện thường xuyên: các lễ hội được phục hồi và hoạt động theo đúng pháp luật, các lễ hội mới được hình thành và tổ chức hàng năm tại các di tích như Hội Xuân Núi Bà, Động Kim Quang, về nguồn tại Trung ương Cục, lễ hội chiến thắng Tua Hai, họp mặt truyền thống Hội thề Rừng Rong,…công tác giáo dục truyền thống và giới thiệu di tích cũng được quan tâm, thông qua chương trình tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa trên Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh thu hút nhiều đối tượng tham dự

 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh một số di tích đã được cấp giấy chứng nhận qyền sử dụng đất, số còn lại đang được các địa phương tiến hành làm thủ tục cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất theo công số 799/SVHTTDL-NVVH ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Sở VHTTDL và văn bản số 1853/STNMT-CCQLĐĐ ngày 30 tháng 7 năm 2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường. Các địa phương cũng đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh thực hiện  bảng tóm tắt giới thiệu lịch sử, giá trị kiến trúc, văn hóa nghệ thuật của các di tích, hiện đã có hơn 70 di tích đã đặt bảng tóm tắt giới thiệu lịch sử, giá trị kiến trúc, văn hóa nghệ thuật, các di tích còn lại đang tiếp tục khẩn trương thực hiện.

 

Về triển khai phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường đăng ký nhận chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa; tổ chức cho học sinh, sinh viên và các cháu thiếu nhi tham quan và giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường các di tích lịch sử văn hóa ở địa phương. Qua 5 năm triển khai thực hiện đã góp phần giáo dục và nâng cao truyền thống, lòng tự tôn và niềm tự hào của thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước.

 

Nhìn chung trong những năm qua, công tác quản lý nhà  nước về di sản văn hóa đã đạt được những thuận lợi nhất định, đặc biệt là  từ khi thực hiện việc phân cấp quản lý di tích theo Quyết định 19/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa được phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Một số địa phương đã thực hiện việc phân cấp quản lý cho cơ sở, từ đó góp phần nâng cao thêm hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.

 

 

 

 

          Phòng Nghiệp vụ Văn hóa 

     Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây