Ở Tây Ninh kho tàng di sản văn hóa vô cùng quý báo của các dân tộc bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của 22 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Tây Ninh.
Về di sản văn hóa vật thể
Tây Ninh có số lượng di tích lịch sử - văn hóa “đồ sộ” với gần 500 di tích đã được kiểm kê và số lượng tương đương là các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo như tịnh xá, thánh đường, giáo xứ, điện thờ, thánh thất, nhà thờ họ, am miếu, từ đường chưa hội đủ các tiêu chí quy định để đưa vào danh mục kiểm kê. Trong số các di tích đã được đưa vào danh mục kiểm kê có 83 di tích đã được xếp hạng bao gồm: 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miềm Nam); 25 di tích cấp quốc gia (trong đó di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng và du lịch núi Bà Đen là di tích cấp quốc gia tiêu biểu ở Tây Ninh) và 57 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Về di sản văn hóa phi vật thể
Nguồn di sản văn hóa phi vật thể ở Tây Ninh cũng vô cùng phong phú. Thực hiện tinh thần Thông tư 04 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể, 5 năm qua Sở VHTT&DL đã tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia như: “Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ” trên địa bàn Tây Ninh; “Múa trống Chhay-dăm” của dân tộc Khmer xã Trường Tây - Hòa Thành; “Lễ Hội kỳ Yên đình Gia Lộc” huyện Trảng Bàng. Ngoài ra Sở VHTT&DL cũng đã tiến hành kiểm kê và đang trình Bộ VHTT&DL các hồ sơ đề nghị công nhận để đưa vào danh mục di sản văn hóa văn hóa quốc gia như: “Lễ hội dân gian núi Bà Đen”, “Hát lý dân ca Tây Ninh” và “Bánh tráng phơi sương” huyện Trảng Bàng; đồng thời xúc tiến kiểm kê bảo tồn toàn bộ các loại hình văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh như: Tiếng nói chữ viết các dân tộc Chăm, Khmer, Tà Mun v.v..; Nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian, tập quán các dân tộc, lễ hội truyền thống và ngành nghề thủ công truyền thống … Hiện tại Sở VHTT&DL đang tập trung kiểm kê bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Chăm, Khmer, Tà Mun đang có nguy cơ mai một vì các dân tộc ít người đang sinh sống xen kẻ với cộng đồng người kinh. Đặc biệt tộc người Tà Mun có nguyện vọng rất thiết tha và chính đáng được nhà nước công nhận tộc danh của mình. Đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về “Xác định nguồn gốc, thành dân tộc người Tà Mun ở Tây Ninh” do Sở VHTT&DL thực hiện cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt công nhận tháng 11/2014 trên cơ sở nghiệm thu của Hội đồng khoa học cấp tỉnh.
Quả thật để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) với số lượng ngần ấy di tích (đã kiểm kê, xếp hạng và chưa kiểm kê) và số lượng sự kiện văn hóa phi vật thể để giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và tương lai là nhiệm vụ không hề nhỏ của các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch các cấp.
Quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở Tây Ninh
Để quản lý nhà nước về di sản văn hóa vật thể đạt được hiệu quả, năm 2007 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa (LS-VH) trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 19/QĐ-UBND. Theo đó Sở VHTT&DL (cấp tỉnh) trực tiếp quản lý 4/83 di tích (Di tích LS-VH, danh thắng và du lịch núi Bà Đen, di tích Khảo cổ Gò Cổ Lâm - Châu Thành, di tích tháp Chót Mạt - Tân Biên và di tích tháp cổ Bình Thạnh – Trảng Bàng) sồ còn lại 79/83 di tích UBND tỉnh phân cấp cho UBND huyện, thành phố Tây Ninh quản lý.
Hơn 8 năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành VHTT&DL các cấp đã phối hợp cùng các Sở, ngành hữu quan triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 19 của UBND tỉnh. Hiện nay gần 100% di tích LS-VH trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập Ban quản lý di tích và gắn bảng giới thiệu tóm tắt di tích, bố trí cán bộ Văn hóa xã hội hoặc nhân viên bảo vệ thuyết minh giới thiệu di tích cho khách tham quan.
Trong những năm qua công tác trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, kết hợp ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của Bộ VHTT&DL, Tây Ninh đã huy động hàng trăm tỷ đồng để tu bổ và tôn tạo các di tích trọng điểm của tỉnh. Riêng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 đã chi gần 50 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp quốc gia như: Di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai, Di tích lịch sử Khám đường Tây Ninh, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Địa đạo Lợi Thuận, Địa đạo An Thới, Di tích lịch sử căn cứ Huyện ủy Dương Minh Châu, Di tích Khảo cổ Gò Cổ Lâm, Di tích Chứng tích tội ác Khmer đỏ, Di tích kiến trúc Đình Thái Bình, Đình Hiệp Ninh, tháp cổ Bình Thạnh, tháp cổ Chót Mạt …. Hiện nay Tây Ninh đang khẩn trương xây dựng công trình Tượng đài chiến thắng Junction City, tranh Tượng đài hoành tráng tại di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam dự kiến khánh thành vào dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh và kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Giai đoạn 2011-2015 Tây Ninh cũng chi gần 50 tỷ đồng cho các dự án ưu tiên bảo tồn phát huy giá trị DSVH phi vật thể của 22 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh; dự án “Tăng cường sản phẩm văn hóa cho đồng bào thiểu số ở Tây Ninh” v.v…
Một trong những giải pháp tích cực và bền vững nhằm bảo vệ và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là chú trọng công tác tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu thông qua giá trị các DSVH để giới thiệu và quảng bá hình ảnh Tây Ninh, quảng bá du lịch gắn với các di tích LS-VH; các sự kiện lễ hội truyền thống ở Tây Ninh. Mới đây Sở VHTT&DL đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thí điểm phát huy giá trị giá trị di tích để triển khai rộng khắp mô hình thí điểm của tỉnh: Địa điểm chiến thắng Tua Hai – Châu Thành, di tích lịch sử cách mạng Rừng Rong – Trảng Bàng và di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng và du lịch núi Bà Đen.
Không thể phủ nhận sự nỗ lực của ngành VHTT&DL và sự đồng thuận lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành hữu quan. Tuy nhiên việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVH ở Tây Ninh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho các di tích quá chậm, dẫn đến nhiều di tích bị xâm hại, có đến 69/83 di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh chưa được cấp Giấy (CNQSDĐ); không ít Ban quản lý di tích ở cơ sở chưa được củng cố nên hiệu quả hoạt động chưa cao; việc tu bổ, tôn tạo di tích còn nhiều hạn chế ở không ít địa phương và việc thực hiện nếp sống văn minh ở nhiều cơ sở tín ngưởng tôn giáo cũng còn nhiều bất cập v.v…
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 – Khóa VIII về phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết đã nêu: “… Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống … Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch …”. Văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội; do đó để sự nghiệp, văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh nhà phát triển và thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hóa gắn với quy hoạch phát triển về du lịch.
Tại Hội nghị công bố Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 29/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”, lãnh đạo tỉnh cũng đã khẳng định: “Tây Ninh cam kết sẽ triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quốc gia núi Bà Đen đúng quy định, UBND tỉnh nhất định sẽ tạo mọi điều kiện và đồng hành cùng các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào Tây Ninh; đặc biệt là khu du lịch quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng và du lịch núi Bà Đen ..”.
Võ Hoà Minh
Ý kiến bạn đọc