Những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI).

Thứ sáu - 09/10/2020 03:00 104 0

Những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW  ngày 05/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI).

Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ, với chiều dài biên giới 240 km giáp nước bạn Campuchia, có 05 tôn giáo chính (Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành, Thiên Chúa giáo và Đạo Hồi); là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hóa của 22 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn như Chăm, Hoa, S’tiêng, Mường, Tày, Thái, Nùng, Dao, H’mông, Êđê, Xơđăng… vì vậy các lễ hội dân gian cũng như lễ hội tôn giáo trong năm diễn ra thường xuyên, phong phú và đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc. như: Lễ hội Rammadan của người Chăm; lễ hội Oc om bock, Chol-chnam-thơ-mây, Pôsanhbôchia, Sen-đôn-ta… của người Khmer; Lễ Nguyên Tiêu của người Hoa; các lễ hội tôn giáo Cao Đài, Phật giáo như: Lễ vía Đức chí tôn (mồng 9 tháng giêng), Hội Yến Diêu trì cung (rằm tháng tám); Lễ Phật Đảng…, hoặc các lễ hội dân gian được tổ chức tại các dinh, đình, miếu…. Ngoài ra, Tây Ninh với bề dày lịch sử hơn 180 năm hình thành và phát triển, là nôi của cách mạng Miền Nam trong 02 cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc thống nhất đất nước; vì vậy các lễ hội truyền thống lịch sử cách mạng cũng như các loại hình lễ hội đương đại được diễn ra thường niên hằng năm như: Lễ hội giao thừa; Hội xuân Núi Bà Tây Ninh; các ngày Lễ kỷ niệm như: Hội thề rừng Rong, Chiến thắng Tua Hai, lễ hội truyền thống Kim Quang.... Theo thống kê đến thời điểm cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có tổng cộng 37 lễ hội được duy trì tổ chức, trong đó có 22 lễ hội dân gian, 09 lễ hội tôn giáo, 06 lễ hội truyền thống cách mạng và trên 30 lễ hội thuộc các thể loại khác như tín ngưỡng, lễ tế…, với quy mô tổ chức và tính chất khác nhau được diễn trong năm. Với tình hình đặc điểm về điều kiện tự nhiên, dân số, dân tộc, tôn giáo và kinh tế - xã hội, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và mang tính cấp bách trong điều kiện Tây Ninh xác định phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), từ năm 2015 đến nay, với chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VHTTDL) đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh triển khai nội dung đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc xây dựng kế hoạch triển khai thông qua các hình thức: tập huấn, học tập, nghiên cứu, quán triệt… đến toàn thể lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đồng thời tuyên truyền, triển khai rộng rãi đến quần chúng nhân dân các nội dung, chủ trương, quy định của Chỉ thị. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội trong giờ hành chính; chỉ đạo, tổ chức lễ hội, tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí; phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hình thức cổ động trực quan đường phố, tuyên truyền lưu động, hoạt động văn hoá, văn nghệ, xây dựng tin, bài phát thanh, chương trình, các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, nêu gương các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, các mô hình tiêu biểu trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện; lồng ghép tuyên truyền thông qua các đợt tập huấn, cấp phát tài liệu, các buổi sinh hoạt, họp tổ dân cư tự quản… đồng thời triển khai lồng ghép có hiệu quả các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn việc thực hiện quy ước khu dân cư, thực hiện quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội…, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành và Nhân dân đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, qua đó nâng cao vai trò trách nhiệm các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý và tổ chức các lễ hội trên địa bàn, đặc biệt là các lễ hội quy mô lớn, cấp tỉnh, huyện, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển; phổ biến, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh cũng như việc chấp hành quy định pháp luật về hoạt động lễ hội, về quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội.

Cuong2.jpg

Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Tua Hai

Nhìn chung qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương, cơ sở theo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động được đảm bảo, hầu hết cán bộ, công chức, đảng viên chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội, không có trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định về quản lý nhà nước về tổ chức lễ, hội; các lễ hội tôn giáo, dân tộc luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Thường trực Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thường xuyên tổ chức thăm hỏi, chúc mừng các tổ chức tôn giáo, ban quản lý các di tích vào các dịp tổ chức lễ, hội trên địa bàn. Phân công sở, ngành chuyên môn phụ trách hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát các hoạt động lễ hội và có thông báo phân công lãnh đạo đến tham dự và chúc mừng vào ngày diễn ra hoạt động Lễ, Hội.

Cuong1.jpg

Lễ hội Nghề làm Bánh tráng phơi sương

Các lễ hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được diễn ra bài bản, chặt chẽ hơn, đảm bảo an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của nhân dân trong tỉnh và du khách. Nội dung lễ hội luôn được đảm bảo theo quy định; việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được nâng cao; không còn xảy ra việc sử dụng biểu tượng, hiện vật, linh vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại lễ hội; việc tổ chức các hoạt động dịch vụ trong khu vực lễ hội đảm bảo các điều kiện về kinh doanh theo quy định của pháp luật và thực hiện nghiêm nội quy của Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích; việc quản lý thu, chi tiền công đức, tài trợ trong tổ chức hoạt động lễ hội được đảm bảo công khai, minh bạch, có sổ sách rõ ràng. Hòm (thùng) công đức tại các lễ hội được đặt tại chính điện của nơi thờ tự và do Ban Tổ chức lễ hội có trách nhiệm giám sát; vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông trong lễ hội đều được các địa phương thực hiện nghiêm túc và chu đáo; các phong tục, tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ, thay vào đó là thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh; môi trường văn hóa được cải thiện, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được quan tâm thực hiện, từng bước được đầu tư cơ sở vật chất; các giá trị di tích, di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy, tạo sự gắn kết trong cộng đồng và xã hội. Ngoài ra, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ của địa phương được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương./.

D. Cường

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây