Trung tâm Văn hóa tỉnh: Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh năm 2014 nối tiếp nhiều thế hệ

Thứ tư - 12/11/2014 22:20 144 0

Trung tâm Văn hóa tỉnh: Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh năm 2014 nối tiếp nhiều thế hệ

Điều đáng ghi nhận tại Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh năm nay (tổ chức hai ngày 23, 24.9.2014, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh) là có sự nối tiếp của nhiều thế hệ.

Tham gia Liên hoan năm nay có hơn 100 tài tử đờn, tài tử ca của 7 đội đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa- thể thao (VHTT) của 7 huyện và TP. Tây Ninh. Trong đó có nhiều tài tử đã cao niên và nhiều tài tử trung niên và nhiều gương mặt còn non trẻ. Trong đội đờn ca tài tử Trung tâm VHTT huyện Châu Thành có nam tài tử ca Nguyễn Văn Dũng, năm nay đã 58 tuổi- cao niên nhất trong đội đờn ca tài tử nhưng ông vẫn cùng với một nữ tài tử ca khác thể hiện khá  thành công bài "Quê hương Thanh Điền đổi mới". Với giọng ca, chắc, khỏe, chuẩn về nhịp điệu, nam tài tử "lão tướng" này đã góp phần quan trọng trong đội đờn ca tài tử của huyện Châu Thành. Ông Dũng chia sẻ, trước đây, ông công tác trong ngành công an huyện Châu Thành. Sau khi nghỉ hưu ông trở về nhà ở ấp Thanh Hùng, xã Thanh Điền (huyện Châu Thành) làm ruộng và buôn bán nhỏ. Những năm gần đây, ông nghỉ làm ruộng, nghỉ buôn bán và sẵn biết đờn ca tài tử gần 40 năm nay, ông tham gia vào câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Thanh Điền. Trong câu lạc bộ này, ông phụ trách đờn ghi ta phím lõm hoặc đờn sến và kiêm tài tử ca. Nhờ sự đóng góp một phần công sức của ông mà câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Thanh Điền từng đoạt giải Nhì tập thể tại Liên hoan ấp phố vui chơi ca hát tỉnh Tây Ninh năm 2011. "Học đờn ca tài tử phải thật sự đam mê mới học được, nếu không có cái tâm, học rất dễ chán", ông Dũng nói.

 

Nổi bật tại Liên hoan đờn ca tài tử lần này, còn có chị Nguyễn Thị Kim Ngân, 29 tuổi, thuộc đội đờn ca tài tử Trung tâm VHTT huyện Gò Dầu. Với giọng ca mượt mà, cách diễn xuất có duyên, nữ tài tử ca này đã làm đông đảo khán giả mê mẫn qua bài 16 câu Tứ đại oán- Khúc nhạc uyên ương. Tiết mục này đoạt giải B và được Ban tổ chức chọn công diễn trong buổi lễ bế mạc Liên hoan. Tài tử ca này tâm sự, chị đam mê ca tài tử từ khi còn nhỏ, nhưng vì bận nhiều việc nên mới được làm quen với loại hình nghệ thuật này hai năm gần đây. Chồng của chị là tài tử đờn ghi ta phím lõm, hiện là cộng tác viên thường xuyên của Nhà văn hóa huyện Gò Dầu, nên chị có điều kiện tập luyện thường xuyên. Ở xã Phước Thạnh (huyện Gò Dầu)- nơi gia đình chị cư ngụ hiện nay- có nhiều câu lạc bộ hát với nhau, trong đó có đờn ca tài tử. Hằng ngày, sau khi kết thúc việc buôn bán nữ trang ở khu công nghiệp Phước Đông Bời Lời, buổi tối chị thường cùng chồng đến các câu lạc bộ đờn ca tài tử trong xã giao lưu. Nhờ vậy, tuy mới học hỏi ca tài tử thời gian ngắn nhưng chị Ngân đã có một số "vốn" khá vững. Tham gia Liên hoan đờn ca tài tử tỉnh Tây Ninh lần này, Ngân vẫn học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý giá. "Điểm yếu nhất của em là hay bị rung trước đám đông. Tại Liên hoan lần này, em ráng nhớ những chỗ nào các anh chị đi trước hát hay để về tập luyện theo".

 

Không có năng khiếu ca hát, nhưng Nguyễn Hoàng Thanh, 24 tuổi, đội đờn ca tài tử Trung tâm VHTT huyện Hòa Thành lại nổi bật về ngón đờn tranh điêu luyện. Nam tài tử đờn trẻ tuổi này hiện ngụ ấp Long Mỹ, xã Long Thành Bắc (huyện Hòa Thành). Từ hơn 8 năm trước, Thanh được học trong một lớp dạy đờn của ông Nguyễn Văn Lâm- một người thầy lão luyện ở huyện Hòa Thành. Sau nhiều năm học tập chăm chỉ, đến nay, chẳng những Thanh thành thạo về đờn tranh mà rất giỏi về đờn ghi ta phím lõm, đờn cò, đờn kìm, đờn bầu. Thanh Kể, khi còn là cậu học trò phổ  thông, Thanh đã từng "chạy sô" đờn ở tỉnh Bình Phước. Lớn lên, Thanh đi diễn nhiều lần ở Long An, TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, tay đờn trẻ này đang là thành viên trong ban nhạc lễ của quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh). Thanh khỏe: "Mới đây, em đậu vào cuộc thi tuyển nhạc lễ, đồng nhi của đạo Cao Đài Tây Ninh. Cuộc thi này 10 năm mới tổ chức một lần". Tham gia Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh năm nay, Thanh cùng với các tài tử đờn khác thể hiện phần thi hòa tấu và đờn phục vụ cho các thành viên khác ca khá tốt, góp phần đưa đội đờn ca tài tử Trung tâm VHTT huyện Hòa Thành đoạt giải B tập thể.

 

Sự nối tiếp của nhiều thế hệ cho thấy, hiện nay, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tại Tây Ninh vẫn hấp dẫn đối với nhiều người. Điều đó đã góp phần giữ gìn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ- một nghệ thuật vừa được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Một số hình ảnh tại Liên hoan

                   

 

                    Đại Dương

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây