Địa điểm thành lập cơ sở Đảng Cộng Sản đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần

Thứ năm - 29/01/2015 22:05 323 0

Địa điểm thành lập cơ sở Đảng Cộng Sản đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần

Di tích lịch sử văn hoá là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hoá của dân tộc, là những chứng tích vật chất phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hoá, về cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng, vĩ đại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời là một bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hoá nhân loại.

 

 

 

 

Ảnh: Địa điểm thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần

 

Trong kho tàng di sản văn hóa của các dân tộc ở Tây Ninh hội đủ các loại hình di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học và danh lam thắng cảnh; đó là những tài sản vô cùng quý báu của tỉnh nhà. Đảng bộ chính quyền và nhân dân Tây Ninh luôn quan tâm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh để phục vụ nhân dân và khách tham quan du lịch đến với Tây Ninh. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.

 

Di tích Địa điểm thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần thuộc ấp Long Đại, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Nơi đây, xưa kia là khu rừng rậm với nhiều tầng cây đan xen và dây leo chằng chịt, nhiều người dân đến định cư sinh sống. Trong đó, ông Võ Văn Lợi một thanh niên yêu nước quê ở Bà Điểm, Hóc Môn, bị bắt đi lính tập ở Thành Ô – ma. Ông bỏ trốn lấy súng trong thành mang về Bà Điểm rồi trốn lên Giồng Nần (Châu Thành, Tây Ninh) làm ăn, tuyên truyền giác ngộ quần chúng yêu nước chống Pháp. Ông cùng với bốn người là Chẩn, Phú, Viết, Luông hợp thành một nhóm chia nhau đi vận động.

 

Năm 1930, ông trở lại Bà Điểm và được kết nạp Đảng tại Mỹ Huề, Bà Điểm (Hóc Môn). Sau đó được phân công trở lại Giồng Nần tiếp tục hoạt động. Ông bị bắt trong một lần đi tuyên truyền ở Phước Chỉ (Trảng Bàng, Tây Ninh), bị kết án chung thân và đày ra Côn Đảo.

 

Để tránh địch khủng bố, một số quần chúng tiến bộ phải chuyển sang biên giới Campuchia vào các làng người Việt để sinh sống. Tại đây, các đồng chí bắt được liên lạc với tổ chức Đảng ở Ba Ty do đồng chí Bùi Sanh Tạo làm bí thư thuộc sự chỉ đạo của Quận ủy Đức Hòa tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An). Các đồng chí Chẩn, Phú, Viết, Luông, Bảy Son và Tám Độ được chi bộ ở đây kết nạp Đảng, sau đó trở về tiếp tục hoạt động ở các xã thuộc quận Châu Thành và len lõi hoạt động ở vùng Giồng Nần, Long khánh, Long Giang, Long Chữ …

 

Tại Giồng Nần, các đồng chí vận động quần chúng nhân dân vào các hội vần công cấy gặt, các hội ái hữu tương tế, đồng thời chọn một số người tiến bộ để thành lập tổ chức Nông hội đỏ gồm có: Trần Thị Tỏ, Trương Thị Thìn, Nguyễn Văn Chua, Trương Thị Lệ, Trương Văn Tàu, Lê Văn Rùm, Trương Văn Võ, Lê Văn Bương, Trương Văn Du, Lê Văn Sáu, Phạm Văn Tồn và Huỳnh Văn Dần. Nhiệm vụ chủ yếu của Nông hội đỏ là lãnh đạo nông dân đòi dân sinh dân chủ, chống sưu cao thuế nặng, chống áp bức bóc lột.

 

Qua quá trình hoạt động, cơ sở Đảng tại Giồng Nần bị địch theo dõi ráo riết, trong một chuyến đi công tác xuống Bà Điểm, hai đồng chí Viết, Luông bị địch bắt rồi đưa đi mất tích. Tháng 5/1931, đồng chí Tám Độ bị bắt và kết án 15 năm đày ra Côn Đảo.

 

Năm 1934-1935 cơ sở Đảng ở Tây Ninh được xây dựng và củng cố thêm nhưng chưa hình thành chi bộ Đảng.

 

Hoạt động chủ yếu của các nhóm Đảng và các đảng viên trong giai đoạn này là tuyên truyền về sự khổ nhục của người dân mất nước, phải sống cảnh đời nô lệ, vạch trần sự áp bức bóc lột của bọn thống trị và bè lũ tay sai, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh để giải phóng mình, giành lại quyền sống tự do, giành lại cơm áo và ruộng đất.

 

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ở Tây Ninh những nhóm Đảng đầu tiên được hình thành là những hạt giống đỏ để lãnh đạo và phát triển phong trào giải phóng dân tộc ở Tây Ninh. Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh đã kiên trì đấu tranh, vượt qua bao gian khổ ác liệt và hy sinh để đi đến thắng lợi, giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám, cùng nhân dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

 

Trải qua 85 năm (1930-2015), cảnh quan thiên nhiên nơi đây đã thay đổi không còn hiện trạng như xưa. Do nhu cầu sản xuất, khai thác, rừng đã được vỡ hoang thành ruộng vườn. Năm 2002 trên vùng đất này, nhân dân địa phương đã xây dựng một nhà bia tưởng niệm với tên gọi: Bia Kỷ niệm nhóm đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Tây Ninh. Đến năm 2005 Tỉnh ủy Tây Ninh cho xây dựng lại với tên gọi là: Khu lưu niệm cơ sở Đảng đầu tiên tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần. Năm 2012 Tỉnh ủy Tây Ninh tiếp tục nâng cấp và cho xây dựng thêm Nhà lưu niệm Nông hội đỏ. Hiện tại di tích Địa điểm thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần được khoanh vùng trên tổng diện tích 1073.12m2.

 

Với những giá trị về mặt lịch sử di tích Địa điểm thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần, được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 3991/QĐ-BVHTTDL ngày 12/11/2013 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Đỗ Văn Trắng

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây