Nhìn lại 02 năm thực hiện Luật Quảng cáo

Chủ nhật - 07/06/2015 22:35 128 0

Nhìn lại 02 năm thực hiện Luật Quảng cáo

Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội Khóa 13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 là căn cứ pháp lý quan trọng góp phần đưa hoạt động quảng cáo trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Tây Ninh nói riêng ngày càng đi vào nề nếp, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội đất nước.

Trên cơ sở Luật Quảng cáo và các văn bản có liên quan, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 2146/QĐ-UBND ngày 28/10/2013.

Nội dung quy hoạch đã cụ thể các vị trí dành cho hoạt động quảng cáo ngoài trời gồm các hình thức bảng quảng cáo tấm lớn, bảng quảng cáo tấm nhỏ, màn hình chuyên quảng cáo, băng rôn, bảng hiệu, đoàn người thực hiện quảng cáo, quảng cáo bằng loa phóng thanh và các hình thức tương tự, quảng cáo trên các phương tiện giao thông. Quy hoạch cũng đã quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ của từng sở, ngành liên quan đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh.

 Việc triển khai thực hiện Luật Quảng cáo và Quy hoạch quảng cáo ngoài trời đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố tổ chức thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo trong và ngoài tỉnh, bằng tất cả các hình thức tổ chức hội nghị, trang thông tin điện tử, báo đài và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc… đã góp phần đưa Luật Quảng cáo và Quy hoạch quảng cáo đi vào thực tiễn đời sống.

Bên cạnh những ưu điểm, thành tích là chủ yếu, hoạt động quảng cáo và công tác quản lý nhà nước về quảng cáo trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, bất cập xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó cơ sở pháp lý chưa cụ thể là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Cụ thể như sau:

Về thành phần hồ sơ quy định tại Điều 29 Luật Quảng cáo chưa được cụ thể, mỗi tỉnh áp dụng một kiểu, cụ thể:

Khoản 6 Điều 29 Luật Quảng cáo về hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn quy định “văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo; quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn”. Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn mức giá cho thuê các địa điểm quảng cáo ngoài trời đối với các vị trí đất công, trên các tuyến đường. Vì vậy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có căn cứ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cho thuê các địa điểm quảng cáo ngoài trời đối tại các vị trí đất công và trên các tuyến đường. Hồ sơ thông báo quảng cáo ngoài trời tại các vị trí đất công và các tuyến đường không có văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo; quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn.

Khoản 3 Điều 29 Luật Quảng cáo về hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn quy định “Bản sao giấy tờ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để quảng cáo theo quy định tại Điều 20 của Luật này”. Kèm theo là văn bản số 33/VHCS-QC ngày 22/01/2015 về hướng dẫn một số nội dung về công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo tại các địa phương. Nội dung văn bản số 33 yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố không được yêu cầu thêm các loại giấy tờ khác ngoài quy định như Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp; Giấy chứng nhận nhãn hiệu; bản cam kết sử dụng hình ảnh của tổ chức cá nhân. Tuy nhiên, ví dụ khi tiếp nhận hồ sơ thông báo quảng cáo của một công ty quảng cáo A thông báo quảng cáo nhãn hiệu cho một công ty B (ví dụ quảng cáo nhãn hiệu/logo Samsung, Oppo...) nếu thành phần hồ sơ không có Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp và Giấy chứng nhận nhãn hiệu như vậy giấy tờ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đối với hồ sơ này sẽ gồm những giấy tờ gì. Vì vậy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các quy định này.

Ngoài ra, Chương 2 Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo quy định nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt cũng thiếu tính khả thi. Theo đó, nội dung quảng cáo của một số sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như quảng cáo thuốc; quảng cáo trang thiết bị y tế; quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật, sinh vật có ích dung trong bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư thú y... được quy định quá rờm rà, yêu cầu phải thể hiện nội dung quảng cáo quá nhiều, trong khi diện tích bảng quảng cáo có hạn không thể thể hiện hết những nội dung yêu cầu, nếu thực hiện chữ cũng quá nhỏ, nội dung quảng cáo dày đặc chữ khiến hiệu quả quảng cáo cũng không cao vì người tiếp nhận quảng cáo không đọc hết. Vì thế những quy định này gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Về việc thực hiện giấy phép xây dựng công trình quảng cáo:

Các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện giấy phép xây dựng công trình quảng cáo vì thủ tục quá rờm rà. Cụ thể doanh nghiệp phải gửi hồ sơ đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận quy hoạch đối với bảng quảng cáo dự kiến đề nghị cấp giấy phép xây dựng, sau khi có xác nhận của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch doanh nghiệp mới gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng cho Sở Xây dựng, sau khi có giấy phép xây dựng doanh nghiệp lại tiếp tục gửi hồ sơ thông báo quảng cáo về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thủ tục hành chính rờm rà đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp thực hiện quảng cáo.

Về việc phân định bảng quảng cáo và bảng hiệu:

Việc phân định bảng quảng cáo và bảng hiệu đã được Cục Văn hóa cơ sở hướng dẫn tại văn bản số 33/VHCS-QC ngày 22/01/2015 về hướng dẫn một số nội dung về công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo tại các địa phương. Tuy nhiên văn bản chưa nêu rõ hình thức bảng quảng cáo đặt tại các cửa hàng, đại lý vừa có quảng cáo sản phẩm hàng hóa khác vừa có đề tên cửa hàng, địa lý (một phần là quảng cáo một phần là bảng hiệu) có được phép thực hiện hay không. Trong khi đây là hình thức quảng cáo phổ biến trên cả nước nhưng tại mục e điểm 2 Điều 66 Nghị định 158/2013/ND-CP ngày 12/11/2013 quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “Quảng cáo hàng hóa lẫn với biển hiệu”.

Về trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn:

Tại khoản 1 Điều 30 Luật Quảng cáo quy định “Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày”. Tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp không chú trọng đến quy định này mà gửi hồ sơ khi gần đến ngày thực hiện quảng cáo gây khó khăn trong quá trình xử lý hồ sơ.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 30 cũng nêu “trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương xác nhận về việc nhận hồ sơ, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, hầu hết tất cả các hồ sơ thông báo quảng cáo Sở VHTTDL cũng đều phải có văn bản trả lời (đồng ý hay không đồng ý và ý kiến khác) để thực hiện tốt công tác quản lý.

Ngoài ra, lệ phí cấp giấy phép quảng cáo đã được bãi bỏ, tuy nhiên cần có quy định về lệ phí thẩm định hồ sơ thông báo quảng cáo. Vì số lượng hồ sơ thông báo quảng cáo hàng năm nhiều, Sở phải chi một khoảng kinh phí nhất định cho công tác thẩm định hồ sơ thông báo quảng cáo, trong khi kinh phí hoạt động hàng năm của Sở có hạn.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, vừa qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo và đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số giải pháp khắc phục.

 

Phòng Nghiệp vụ Văn hóa

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây